- Version
- Download 638
- File Size 3.57 MB
- File Count 1
- Create Date 19/09/2018
- Last Updated 19/09/2018
Các phong trào xã hội và Nội chiến - khi các cuộc phản kháng cho dân chủ hoá thất bại
LỜI GIỚI THIỆU
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ ba mươi chín* của tủ sách SOS2, cuốn Các Phong trào Xã hội và Nội chiến – Khi các cuộc phản kháng cho dân chủ hoá thất bại (Social Movements and Civil War – when protests for democratization fail) của Donatella della Porta, Teije Hidde Donker, Bogumila Hall, Emin Poljarevic và Daniel P. Ritter (Routledge, Taylor & Francis Group, 2018). Cuốn sách có bảy chương, hai chương đầu và chương cuối do Donatella della Porta viết và bốn chương giữa là của các tác giả còn lại.
Cuốn sách này là hết sức quan trọng vì nó bàn đến những nguyên nhân thất bại của dân chủ hoá khi dân chủ hoá biến thành nội chiến. Dân chủ hoá có thể thành công như vài cuốn trong tủ sách này đã bàn đến như về dân chủ hoá ở Tây Ban Nha (cuốn thứ 28), ở các nước đông và đông nam Á, Hàn Quốc, Đài Loan và Phillipines (cuốn thứ 31) và Indonesia (cuốn thứ 30), ở Hungary (cuốn thứ 14), Ba Lan cũng như vài nước Đông Âu khác (các cuốn 24, 25, 26, 27) hay những chuyển đổi dân chủ ở các nới khác nữa như ở Nam Phi, Mỹ Latin (cuốn 29). Vài cuốn khác của tủ sách cũng bàn đến những điều kiện cấu trúc của dân chủ hoá hay về phong trào xã hội (như cuốn thứ 29, 33). Nhưng các nỗ lực dân chủ hoá cũng có thể thất bại như ở phần lớn các nước thuộc Liên Xô trước đây và Ai Cập hay đã thụt lùi thê thảm như ở Campuchia, hay bị sa sút như Hungary và Ba Lan sau gần 20 năm khá thành công; còn tồi tệ hơn khi dân chủ hoá không những đã thất bại mà đã biến thành nội chiến đẫm máu như tại bốn nước được đề cập trong cuốn sách này, Syria, Lybia, Yemen và Nam Tư (Lưu ý rằng các nước thuộc Nam Tư trước đây bây giờ là các nước dân chủ rồi, nói cách khác dân chủ hoá đã kéo dài qua các cuộc chiến đẫm máu, một việc đáng tiếc đã xảy ra mà nếu tỉnh táo đã có thể tránh được, còn ba nước Trung Đông thực sự bị tan rã dù chế độ Syria với sự giúp đỡ của Nga và Iran đã gần như kiểm soát lại được toàn bộ đất nước với cuộc tấn công cuối cùng sắp xảy ra ở tỉnh Idlib). Ba nước thất bại ở Trung Đông là các nước có nhiều sự giống nhau nhất, còn Nam Tư lại khác các nước đó nhất. Việc lựa chọn các nước giống nhau nhất, và khác nhau nhất cho nghiên cứu chính là phương pháp “thiết kế nghiên cứu giống nhau nhất và khác nhau nhất” để phát hiện ra những cơ chế nhân quả khiến dân chủ hoá sa thành nội chiến.
Như thế việc học các bài học quốc tế về dân chủ hoá thành công cũng như thất bại sẽ có thể giúp chúng ta, những người Việt Nam, có cơ sở khoa học hơn để lựa chọn cách phù hợp nhất cho sự nghiệp dân chủ hoá ở Việt Nam. Lưu ý rằng các bài học thành công cũng không thể để theo một cách mù quáng; còn các bài học thất bại thì luôn cần tránh.
Cuốn sách hết sức lý thú và quan trọng này dựa vào sự liên kết giữa các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, thường được tiến hành một cách tách rời, về dân chủ hoá, nội chiến, phong trào xã hội, chính trị gây gổ để tìm ra những cơ chế khiến cho các cuộc phản kháng ôn hoà cho dân chủ hoá biến thành các cuộc nội chiến đẫm máu. Các cơ chế góp phần dẫn đến và duy trì nội chiến mà cuốn sách này bàn kỹ có thể được tóm gọn như sau (tr.26):
Các cơ chế lúc bắt đầu | Các cơ chế kích hoạt | Các cơ chế tái tạo | |||
- Gây bất ổn chính trị
- Sự đàn áp bừa bãi
- Sự phân mảnh xã hội |
- Sự lỏng hoá các biên giới
- Sự tồi đi về an ninh |
- Sự kích hoạt các mạng lưới quân sự (quan hệ)
- Sự trả thù tăng lên (xúc cảm)
- Sự gắn bó bè phái (nhận thức)
|
|||
Mỗi nghiên cứu trường hợp (về một nước cụ thể) đều dựa vào khung khổ lý thuyết được trình bày trong Chương 2 và về cơ bản để làm rõ những cơ chế lúc bắt đầu, các cơ chế kích hoạt, và các cơ chế tái tạo như nêu sơ ở trên. Lưu ý rằng các cơ chế động này không phủ nhận các điều kiện cấu trúc thuận lợi (hay bất lợi) cho dân chủ hoá, mà bổ sung cho chúng và giúp chúng ta hiểu kỹ hơn về các điều kiện và cơ chế có thể giúp dân chủ hoá thành công hay thất bại.
Hãy tìm hiểu các cơ chế đó, xem xét các điều kiện cụ thể của Việt Nam có tạo thuận lợi cho chúng hoạt động hay không và tìm mọi cách vô hiệu hoá chúng, cũng như tạo thuận lợi cho sự hình thành các điều kiện của các bài học thành công. Lưu ý rằng các điều kiện thuận lợi và bất lợi cho sự thành công của dân chủ hoá có tính cấu trúc nhưng cũng thay đổi theo thời gian, luôn gắn với những điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị cụ thể của từng nước cũng như với tình hình quốc tế luôn biến động. Hơn thế nữa, sự tình cờ, ngẫu nhiên cũng có vai trò. Chính vì thế không thể đưa ra những kế hoạch cụ thể cho dân chủ hoá. Tuy nhiên, nếu biết kỹ những bài học thành công và thất bại của dân chủ hoá chúng ta có thể có những định hướng có cơ sở cho việc dân chủ hoá ở Việt Nam: thúc đẩy, tạo dựng những điều kiện cần cho sự dân chủ hoá thành công và tránh hay không tạo ra hoặc vô hiệu hoá các điều kiện mà có thể dẫn đến thất bại hoặc tồi tệ hơn đến nội chiến. Lại lưu ý rằng các điều kiện này không thật rạch ròi (tốt-xấu) và như thế luôn cần sự tỉnh táo và nhất thiết cần sự tranh luận, thảo luận càng rộng càng tốt.
Phải nhấn mạnh rằng các bài học thành công lẫn thất bại của dân chủ hoá là có ích cho cả những người đang cầm quyền lẫn những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam: họ phải đặt nhân phẩm, tự do, công lý, lẽ công bằng, sự bình đẳng, sự thịnh vượng kinh tế cho tất cả người dân Việt Nam và lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đó là những giá trị có thể khiến tất cả những người Việt Nam chúng ta ở trong và ngoài nước có thể đoàn kết để phấn đấu cho sự phát triển đất nước mang lại quyền lợi cho mọi người Việt Nam và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cần lưu ý rằng bản thân những người cộng sản cũng luôn nói rằng họ phấn đấu cho các giá trị đó, rất đáng tiếc việc làm của ban lãnh đạo của họ không như lời nói và chúng ta phải đòi, phải buộc họ làm theo lời nói của họ cũng như tôn trọng các giá trị của chúng ta mà họ cũng bảo là của họ. Và như thế việc vận động đa số các đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam cùng toàn dân gây sức ép để buộc các nhà lãnh đạo cộng sản phải tôn trọng các giá trị cốt lõi nêu trên; và việc làm như vậy cũng là phần quan trọng của sự nghiệp dân chủ hoá không dễ ở Việt Nam.
Chính vì thế, cuốn sách có thể rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu chính trị, các nhà hoạt động, các chính trị gia, cho các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam lẫn những người chống cộng, và tất cả những người quan tâm khác đến dân chủ hoá, như các nhà báo, sinh viên, và những người Việt Nam khác ở trong và ngoài nước.
Tôi đã cố gắng để bản dịch được chính xác và dễ đọc, tuy nhiên do hiểu biết có hạn nên bản dịch không tránh khỏi sai sót, mong các bạn góp ý để hoàn thiện.
Hà Nội 17-9-2018
Nguyễn Quang A
- Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)
- Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
- Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
- Soros: Giả kim thuật tài chính
- de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí ẩn của Vốn]
- E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
- A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô
- Soros: Xã hội Mở
- Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
- Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
- Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx
- Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học
- Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006
- Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn
- Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
- Kornai János: Lịch sử và những bài học,NXB Tri thức, 2007
- Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận
- Murray Rothabrd: Luân lý của tự do
- Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng
- Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống
- Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.
- Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012
- Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)
- Kỷ yếu hội thảo Đại học Michigan: Bàn tròn Ba Lan-Những bài học, 2013
- Thương lượng những thay đổi cơ bản: Hiểu và mở rộng các bài học của các cuộc đàm phán Tròn Ba Lan, 2013
- Adam Michnik: Những lá Thư từ Nhà tù và các Tiểu luận khác, 2013
- Elzbieta Matynia: Dân chủ ngôn hành, 2014
- Josep M. Colomer: Lý thuyết Trò chơi và Chuyển đổi sang Nền dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha, 2014
- Lisa Anderson: Chuyển đổi sang Dân chủ, 2015
- Paul J. Carnegie: Con Đường từ Chủ nghĩa Độc đoán đến Dân chủ hóa ở Indonesia, 2015
- Hsin-HuangMichael Hsiao (ed.): Các nền Dân chủ Á châu Mới: So sánh Phillipines, Hàn Quốc và Đài Loan, 2015
- Larry Diamond và Marc Plattner (biên tập) Dân chủ có Suy thoái?, 2016
- Chistian Welzel, Tự do đang lên – Trao quyền cho con người và truy tìm sự giải phóng, NXB Dân khí 2016
- Guy Standing, Precariat – giai cấp mới nguy hiểm, NXB Dân khí, 2017
- Bob Jessop, Nhà nước – Quá khứ, Hiện tại, Tương lai NXB Dân khí, 2018
- Fortunato Musella, Các Lãnh tụ Vượt quá Chính trị Đảng , NXB Dân khí, 2018
- Jamie Barlett, Nhân dân vs Công nghệ: internet đang giết dân chủ như thế nào (và chúng ta cứu nó ra sao), NXB Dân khí, 2018
- Yang Zhong, Văn hoá và sự Tham gia Chính trị ở Trung Quốc Đô thị. NXB Dân khí, 2018