MỘT TÓM TẮT VỀ CÁC CHẾ ĐỘ HẬU-CỘNG SẢN

Download
Download is available until [expire_date]
  • Version
  • Download 11
  • File Size 4.74 MB
  • File Count 1
  • Create Date 09/06/2025
  • Last Updated 09/06/2025

MỘT TÓM TẮT VỀ CÁC CHẾ ĐỘ HẬU-CỘNG SẢN

Đây là bản tiếng Việt của A Concise Field Guide to POST-COMMUNIST REGIMES của Magyar Bálint và Maldovics Bálint (Nhà xuất bản Đại học Trung Âu 2022). Nó là cuốn tóm tắt cô đọng của cuốn The Anatomy of Post-Communist Regimes dài hơn nhiều (gần 900 trang) của họ được cùng nhà xuất bản ấn hành hai năm trước, và được dành cho công chúng rộng hơn cuốn trước. Hy vọng bạn đọc sau khi đọc cuốn ngắn này sẽ có hứng để tìm đọc kiệt tác dài hơn của họ.

Sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản cuối các năm 1980 và đầu các năm 1990, hầu hết các nước cộng sản trước kia đã trải qua sự chuyển đổi chế độ và lúc đó do ảnh hưởng của Tây phương, các nhà nghiên cứu đã nghĩ các nước này đều sẽ chuyển đổi sang các nền dân chủ (với tư duy một chiều với hai kiểu chế độ điển hình: dân chủ và độc tài cộng sản, ở hai thái cực); và tình hình thực tế trong đầu những năm 1990 có vẻ xác nhận cách tiếp cận này. Đó thời kỳ nở rộ của chuyển đổi học (transitology): ga cuối của sự chuyển đổi từ chế độ độc tài cộng sản chỉ có thể là chế độ dân chủ.

Tuy nhiên, với thời gian tình hình có vẻ phức tạp hơn nhiều: Trung Quốc, Việt Nam và vài nước xã hội chủ nghĩa trước kia đã dần dần từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa và xây dựng nền kinh tế thị trường, tức là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nhưng không có chuyển đổi dân chủ mà chỉ có sự thay đổi mô hình độc tài. Trong số các nước đã chuyển đổi thành công sang nền dân chủ, ở Trung-Đông Âu cũng như Liên Xô trước kia, chỉ có một vài nước bước vào sự củng cố dân chủ và vẫn là dân chủ tự do cho đến tận nay (như Estonia chẳng hạn), một số khác đã biến thành cái gì đó không dân chủ tự do cũng chẳng quay lại chế độ độc tài cộng sản, mà thường được gọi là chế độ-lai với rất nhiều tên gọi kỳ lạ (dân chủ phi-tự do, chế độ độc đoán cạnh tranh,…). Đấy là cách tiếp cận của hybridology (lai học). Cả lai học lẫn chuyển đổi học bị mắc kẹt trong hệ thống ngôn ngữ Tây phương quen thuộc nên không mang lại những sự giải thích mạch lạc, nhất quán và không thực sự phù hợp với diễn biến thực tế của các nước hậu-cộng sản.

Các tác giả đã bắt tay vào xây dựng một ngôn ngữ mới mà với nó họ có thể xây dựng một khung khổ mạch lạc, nhất quán mô tả tốt các chế độ hậu-cộng sản. Họ từ bỏ ba tiên đề ngầm định trong cách tiếp cận Tây phương (1) sự tách biệt giữa các lĩnh vực hoạt động xã hội: chính trị, kinh tế và cộng đồng; (2) vị trí (chức vụ) de jure (luật định) của các cá nhân và các định chế trùng với vị trí de facto (thực tế); và (3) nhà nước là một diễn viên theo đuổi lợi ích chung. Ba tiên đề ngầm này ít nhiều sát với các nền dân chủ tự do Tây phương, nhưng không đứng vững trong khu vực hậu-cộng sản. Trong cuốn sách này các tác giả xây dựng một ngôn ngữ mới tạo thành một khung khổ đề cập đến cả ba lĩnh vực hoạt động xã hội chứ không chỉ đến lĩnh vực chính trị; đến các vị trí luât định không trùng với các vị trí thực tế; và nhà nước có thể không theo đuổi lợi ích chung và được tóm tắt trong 120 mệnh đề (trong đó họ phân biệt các định chế chính thức (formal) với các định chế phi-chính thức (in-formal); đưa ra khái niệm gia tộc chính trị nhận con nuôi (adapted political family) có vai trò trung tâm trong hệ thống khái niệm của họ; làm rõ các khái niệm nhà tài phiệt (oligarch), nhà chính phiệt (poligarch), nhà nước bị bắt giữ (captured state) từ dưới lên và từ trên xuống, các loại nhà nước (đạo tặc, thị tộc, gia sản, săn mồi, tội phạm) để định nghĩa nhà nước mafia. Các tác giả cũng làm rõ chủ nghĩa dân túy và cho nó một định nghĩa hết sức súc tích và độc đáo “chủ nghĩa dân túy là một công cụ ý thức hệ cho chương trình chính trị của chủ nghĩa vị kỷ tập thể không bị ràng buộc về đạo đức.”

Với khung khổ khái niệm được trình bày trong 120 mệnh để các chế độ hậu-cộng sản có thể được mô tả một cách mạch lạc, rất tiện cho so sánh. Các tác giả mở rộng khung khổ hệ thống của Kornai János có hai kiểu lý tưởng chính (các chế độ dân chủ và độc tài) và một kiểu lý tưởng trung gian nền chuyên quyền (autocrcay) ở giữa, tăng gấp đôi các kiểu lý tưởng  (với ba kiểu chính mà họ gọi là kiểu cực [polar]: dân chủ tự do, độc tài cộng sảnchế độ chuyên quyền bảo trợ; và ba kiểu lý tưởng trung gian là: chế độ chuyên quyền bảo thủ, dân chủ bảo trợđộc tài cộng sản khai thác thị trường) tạo thành khung khổ tam giác của họ như được minh họa trong hình dước đây (Hình 6 trong văn bản, chúng tôi dùng các màu sơ cấp xanh, đỏ và vàng để mã hóa chế độ dân chủ tự do, chế độ độc tài cộng sản và chế độ chuyên quyền bảo trợ, và các chế độ trung gian: chuyên quyền bảo thủ với màu tím (xanh +đỏ), dân chủ bảo trợ với màu xanh chanh, và chế độ độc tài khai thác thị trường với màu cam (đỏ+ vàng). Cạnh ngang trên cùng của tam giác (khi bỏ các tính từ, chúng ta thấy đó chính là khung khổ hệ thống của Kornai với các chế độ dân chủ, chuyên quyền và độc tài). Màu tương ứng là sự pha trộn của xanh và đỏ với các tỷ lệ khác nhau. Các tác giả lưu ý một ẩn dụ giúp chúng ta có thể hình dung khung khổ của họ với ba chế độ cực (tại các đỉnh của tam giác với ba màu sơ cấp xanh (Blue) đỏ (Red) và vàng (Yellow) mà tất cả các màu con người có thể thấy với sự kết hợp của chúng. Mỗi điểm bên trong tam giác sẽ có màu khác nhau theo tỷ lệ B, R, Y (tỷ lệ với độ gần của nó đến ba đỉnh B, R, Y.) Với ẩn dụ này chúng ta có thể dễ thấy vì sao khung khổ mới phong phú hơn rất nhiều so với các khung khổ cũ (trắng-đen, hai cực, hay khung khổ lai với chỉ phổ màu của cạnh trên cùng của tam giác.

Các chế độ trung gian với các màu thứ cấp (tím, xanh chanh, và cam cho các chế độ chuyên quyền bảo thủ, dân chủ bảo trợ và độc tài khái thác thị trường) là các màu được pha trộn với tỷ lệ ngang nhau của hai màu sơ cấp tương ứng. Đáng tiếc chúng ta không thấy vị trí của Việt Nam trong hình trên.

Các tác giả chứng minh khá chặt chẽ rằng các kiểu chế độ lý tưởng này là ổn định và những thay đổi cấu trúc bên trong và ảnh hưởng bên ngoài có thể dẫn tới sự chuyển đổi chế độ (tức là sự chuyển đổi vị trí của nước đó từ lân cận của một trong 6 kiểu lý tưởng sang lân cận của một kiểu lý tưởng khác). Họ cũng phân biệt chuyển đổi chế độ với các chu kỳ chế độ được xác định bởi lịch sử, các nét đặc thù quốc gia, (tức là những thay đổi vị trí của một nước xung quanh vị trí mà nó chiếm gần một trong 6 chế độ lý tưởng, tức là không có sự thay đổi chế độ).

Các tác giả có đề cập đến việc có thể mở rộng khuôn khổ của họ (Mệnh đề 116) cho các vùng khác, nhưng tôi nghĩ cũng có thể mở rộng theo hướng nhân đôi khuôn khổ của Kornai (cạnh trên cùng của tam giác trên để có 6 chế độ lý tưởng hãy gọi tên như Kornai đã gọi Dân chủ (Xanh [Lam]), Chuyên Quyền (Tím), và Độc tài (Đỏ); và những kiểu lý tưởng mới Dân chủ Lục, Chuyên quyền (Vàng), và Độc tài (Cam) bằng cách chỉ sửa và bớt các điều kiện để khung khổ mở rộng có thể mô tả cả các nước không phải hậu-cộng sản để xem xét các sự thay đổi (hay mưu toan thay đổi chế độ dân chủ sang độc tài, v.v). Tất nhiên, việc này nghe có vẻ ngược với tinh thần của các tác giả, nhưng khả năng “chỉnh” những khái niệm là có thể và đây chỉ là gợi ý chủ quan của tôi, nhưng nếu làm được sẽ có thể có ý nghĩa và đó là công việc dài hơi, tốn nhiều công sức của các nhà nghiên cứu.

Tại mỗi thời điểm (hay thời kỳ) vị trí của một nước cho trước được xác định bởi 11 chiều: (1) chủ nghĩa bảo trợ của elite cai trị; (2) đảng cai trị; (3) tính chính thức-phi chính thức của các định chế; (4) cơ chế kinh tế chi phối;  (5) tham nhũng; (6) ý thức hệ (xem các chiều từ 1-6 tại Mệnh đề 117, Hình 19-24) ; (7) chức năng của đảng cầm quyền; (8) bản chất từ hạn chế đến toàn trị của elite chính trị; (9) tính đa nguyên của mạng lưới quyền lực/tính chính danh; (10) sự tự trị của xã hội dân sự; và (11) kiểu chế độ lai (các chiều từ 7-11 không được trình bày rõ trong Mệnh đề 117 nhưng bạn đọc có thể tham khảo trong cuốn Anatomy của các tác giả (chương 7, nhất là 7.2.2 tr. 627-634). Mỗi chiều chia tam giác của nước đó thành ba phần khác nhau (trừ chiều 9 chia tam giác thành 2 phần và chiều 11 chia tam giác thành 5 phần). Tại mỗi thời điểm vị trí của một nước hậu-cộng sản do 11 phần của 11 tam giác ứng với 11 chiều nói trên cùng xác định một cách nhất quán. Theo thời gian, các điểm này tạo thành quỹ đạo chế độ  của nước đó trên tam giác (với tham số thời gian cho mỗi điểm). Trong phần thứ hai của cuốn sách này các tác giả trình bày quỹ đạo (gồm các thay đổi chế độ và các chu kỳ chế độ) của 12 nước hậu cộng sản, thí dụ của Trung Quốc như hình dưới đây (Hình 29, có thêm phần phỏng đoán của chúng tôi về quỹ đạo chế độ của Việt Nam 1975-2025).

Trong số 12 nước hậu-cộng sản được thảo luận trong cuốn sách này không có Việt Nam. Tuy vậy, rõ ràng Việt Nam hiện nay trong chế độ “độc tài khai thác thị trường” như Trung Quốc. Hình trên sao lại quỹ đạo của Trung Quốc (Hình 29), từ 1949-2012, và chúng tôi đặt quỹ đạo phỏng đoán của Việt Nam (1975-2024) như một minh họa giợi ý để nghiên cứu kỹ hơn. Giai đoạn 1975-1986 rõ ràng Việt Nam vẫn ở góc độc tài cộng sản trên tam giác (sở dĩ vị trí của Việt Nam nằm ở bên trái hơn vì ảnh hưởng của miền Nam nơi đã có một nền dân chủ sơ khai trước 1975 và từ 1976-1986 cả nước đã rất gần với chế độ lý tưởng độc tài cộng sản; từ 1986 Việt Nam từ từ chuyển sang mô hình độc tài khai thác thị trường, sự thay đổi từ 2005-2011 theo hướng đó rất rõ rệt, nhưng giống Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng đã chuyển theo hướng cứng rắn hơn cho đến khi ông chết 2024. Từ khi ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư ĐCSVN đã có những sự thay đổi lớn trong hơn nửa năm qua, nhưng còn chưa rõ sẽ đi theo hướng nào. Chắc chắn sẽ không tiếp tục con đường của ông Trọng. Năm khả năng còn lại đều có thể: 1) ở nguyên trong chế độ độc tài khai thác thị trường; chuyển đổi chế độ sang: 2) chuyên quyền bảo thủ; 3) dân chủ tự do; 4) dân chủ bảo trợ; và 5) chuyên quyền bảo trợ và nhà nước mafia. Tất nhiên, khả năng 2), 4) và 3) sẽ tốt hơn bây giờ (tốt nhất là khả năng 3) nếu chúng ta đọc cuốn sách Từ Phát triển đến Dân chủ của Dan Slater và Joseph Wong) cho thấy có khả năng đó nhìn từ một cách tiếp cận khác. Khả năng 1) và 5) là rất xấu nhưng là dễ cho bộ máy hiện hành. Mọi thứ đều có thể và tương lai là sự lựa chọn của chính chúng ta trong đó có các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (và họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về các chính sách của họ. Tất nhiên chúng ta cũng thế.)

Khi dịch cuốn này, tôi dựa vào bản tiếng Anh là chính, có tham khảo bản tiếng Hungari và thấy các tác giả có thêm nhiều đoạn, và đôi khi tôi có thêm một vài câu của bản tiếng Hungari vào bản dịch này.

Tôi chân thành giới thiệu cuốn sách rất quan trọng này của Magyar Bálint và Maldovics Bálint cho tất cả các bạn đọc Việt Nam, nhất là học sinh, sinh viên, các nhà báo, các doanh nhân, các nhà nghiên cứu chính sách, các chính trị gia nhất là các đảng viên của ĐCSVN để hiểu chúng ta đang ở đâu và nên hành động theo hướng tốt nhất cho dân tộc và đất nước.

Hà Nội 9-6-2025

Nguyễn Quang A

 

Dân Trí

Chuyên san chính thức của Diễn đàn Xã hội Dân sự

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *