Thực thi dân quyền

Nâng cao dân trí - Chân hưng dân khí

Cải thiện dân sinh-Xây dựng dân chủ

Menu
Homepage / Phong trào Xã hội / GIẢI VĂN VIỆT LẦN THỨ BA
CHỐNG BÀU CỬ NẾU MUỐN CÓ DÂN CHỦ ĐÍCH THỰC Cảnh sát Tư tưởng CHỦ ĐỘNG DÂN CHỦ HÓA Ở VIỆT NAM Giới thiệu sách: CƠ QUAN LẬP PHÁP BẰNG RÚT THĂM ROULETTE ĐỎ Đại hội 13 và ông Trọng Chúng ta đang Sống trong một Nhà nước Thất bại Sáu cụm Từ Then chốt để Xây dựng Xã hội Dân sự Phong trào Công dân Mới của Trung Quốc Trao đổi tiếp về chuyện Biển Đông Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông Chiến tranh Lạnh Hôm qua Cho thấy Làm thế nào để Đánh bại Trung Quốc Hôm nay TUYÊN BỐ CHUNG TỪ ĐỐI THOẠI CHIẾN LƯỢC SONG PHƯƠNG (BSD) PHILLIPPINES-HOA KỲ  LẦN THỨ 8 Trách nhiệm đạo đức của Frankenstein CÁC NHÀ KINH TẾ CHIA SẺ SỰ LÊN ÁN CHIỀU HƯỚNG ‘QUÁI DỊ’ CỦA TRUNG QUỐC Toàn cầu hoá chết rồi và chúng ta cần tạo ra một trật tự thế giới mới Con đường tới Phi Tự do Số: Ba Sự thật đau đớn về Truyền thông Xã hội Phản kháng Thiên An Môn và vài Bài học cho Dân chủ hoá ở Việt Nam NỖI SỢ HÃI VÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA HIỆN NAY Một Bóng ma đang Ám ảnh Trung Quốc của Tập: ‘Ông Dân chủ’ Các đoạn từ một phỏng vấn với Đỗ Đạo Chánh PHAN CHAU TRINH AND A STRATEGY FOR DEMOCRATIZATION IN VIETNAM TẬP CẬN BÌNH LÀ KẺ THÙ NGUY HIỂM NHẤT CỦA XÃ HỘI TỰ DO Việt Nam ở đâu trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung PHẢN ĐỐI LUẬT AN NINH MẠNG Nhân dân Vs Công nghệ: Internet giết dân chủ thế nào (và chúng ta cứu nó ra sao) LÃNH TỤ CHÍNH TRỊ GIẢI VĂN VIỆT LẦN THỨ BA Nicos Poulantzas bàn về kinh tế chính trị, sinh thái chính trị, và chủ nghĩa xã hội dân chủ DIỄN QUÁ “TÀI” Trung tâm Đà Lạt : làm đẹp hay phá vỡ không gian kiến trúc? GÓP Ý GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ ĐỒNG TÂM CHÍNH SÁCH – GIẢI PHÁP Từ Đồng Tâm đến Cai Lậy: Những bài học chính yếu Liệu Mỹ có còn an toàn cho Dân chủ? Giấc mơ Tân Uy quyền của Vương Hỗ Ninh Đừng tuân theo trước. Legacies of Phan Châu Trinh and Vaclav Havel in Democratization process of Vietnam Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh DÂN CHỦ GIÁM SÁT? Hy vọng và Tuyệt vọng Ý THỨC DÂN CHỦ – NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI DÂN CHỦ Một lần nữa về “paradigme hệ thống” Làm rõ và những bổ sung dưới ánh sáng kinh nghiệm của chủ nghĩa tư bản chuyên quyền Trợ giúp Dân chủ 25 tuổi: Lúc lựa chọn Huyền thoại về Suy thoái Dân chủ Khủng hoảng và chuyển đổi, nhưng không suy thoái Trọng lượng của Địa Chính trị Vì sao Dân chủ làm tồi đến vậy? Giới thiệu chủ đề “Dân chủ đang suy thoái ư?” Sáu năm về trước Noam Chomsky đã tiên đoán sự trỗi dậy của Donald Trump Giáo dục: Liều thuốc thần của nền kinh tế Việt Nam – Nơi giáo dục miễn phí không hề miễn phí Dạy, học và giáo dục giả hiệu Giáo dục trong một thế giới bất ổn Đầu tư tài chính cho giáo dục phổ cập Giáo dục là vấn đề an ninh

Phong trào Xã hội, Xã hội dân sự

GIẢI VĂN VIỆT LẦN THỨ BA

Số Đặc Biệt về GIẢI VĂN VIỆT LẦN 3 (2018)                                           Ngày 26/3/2018

 

Chân Thành Cám Ơn Các Bạn Đọc Của Văn Việt

 

Mục lục

Tuyên bố của Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam về Giải Văn Việt lần thứ ba (2018)

Page 2

 

1 – Diễn từ nhận giải Đặc biệt của Khuất Đẩu                                                                       page 4

 

2 – Khóc cười trên một xứ sở buồn vô hạn                                   Ngô Thị Kim Cúc          page 7

 

3 – Diễn từ nhận giải Dịch thuật của Phạm Nguyên Trường                                                 page 9

 

4 – Tính thời sự của “1984” và chất lượng bản dịch của Phạm Nguyên Trường                     page 14

 

5 – Diễn từ nhận “Giải của chủ tịch hội đồng” của Mai Sơn                                                  page 15

 

6 – Diễn từ nhận giải Thơ của Phapxa Chan                                                                           page 19

 

7 – Đôi điều về Phapxa Chan                                                               Giáng Vân               page 21

 

8 – Diễn từ nhận giải Nghiên cứu – Phê bình của Hoàng Tuấn Công                                   page 26

 

9 – Một trẻ, một già và một câu hỏi                                                     Hoàng Dũng           page 28

 

10 – Lễ trao giải Văn Việt lần thứ ba (youtube)                                                                     page 31

 

The end / 31

 

 

TOÀN VĂN

 

 

       Tuyên bố của Ban Vận động         .     Văn đoàn Độc lập Việt Nam về     .       Giải Văn Việt lần thứ Ba (2018)

 

Sau khi xem xét kết quả bầu chọn của các Ban Xét Giải và đề xuất của Thường trực Hội đồng Giải, Giải Văn Việt lần thứ Ba đã được Chủ tịch Hội đồng Giải, Nhà văn Nguyên Ngọc, quyết định như sau:

  1. Giải Đặc biệt: Tác giả Khuất Đẩu. Tác phẩm: Tiểu thuyết “Những tháng năm cuồng nộ” và chùm truyện ngắn đăng trên Văn Việt năm 2017.

Tiểu thuyết “Những tháng năm cuồng nộ” đã được 5/5 phiếu bầu của Ban Xét Giải Văn, gồm các nhà văn Đặng Văn Sinh, Lê Thị Minh Hà, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyên Ngọc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Giải Đặc biệt cho tác giả Khuất Đẩu được 3 đề cử của thành viên Ban Xét giải và đề xuất của Thường trực Hội đồng Giải, và do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

  1. Giải Chính thức:

– Thơ: Chùm thơ Phapxa Chan đăng trên Văn Việt năm 2017, được 5/5 phiếu bầu của Ban Xét Giải Thơ, gồm các nhà thơ Bùi Chát, Chân Phương, Giáng Vân, Lê Hoài Nguyên (thay thế nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bị bệnh vào những ngày cuối của quy trình xét giải), Ý Nhi.

Tác giả trẻ Phapxa Chan là phát hiện của Văn Việt năm 2017 với những chùm thơ đầu tay của tác giả được công bố.

–  Nghiên cứu phê bình: “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công, được 4/5 phiếu của Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê bình, gồm nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, nhà nghiên cứu Văn Giá.

– Dịch thuật: “1984″ (G. Orwell) Phạm Nguyên Trường dịch, được 4/5 phiếu của Ban Xét Giải Dịch thuật, gồm các dịch giả Đặng Văn Sinh, Hoàng Hưng, Lê Quang, Trịnh Y Thư, Vũ Thế Khôi.

  1. Giải của Chủ tịch Hội đồng: Chùm truyện ngắn của Mai Sơn, được đề cử của 2 thành viên Ban Xét Giải Văn và đề xuất của Thường trực Hội đồng Giải.

Việc trao giải thưởng Văn Việt đã được tiến hành thành công qua hai kỳ: 1 (2016) và 2 (2017), mặc dù có những cản trở không đáng có của an ninh như: gây sức ép để cơ quan cho mượn địa điểm trao giải rút lại lời hứa, gây mất điện nhà riêng của nhà thơ Ý Nhi là nơi trao giải, ngăn chặn một cách bất chấp pháp luật một số cộng tác viên và khách mời đến dự…

Lần thứ Ba này, sự ngăn cản đã bất ngờ thô bạo hơn nhiều. Một số tác giả đoạt giải và khách mời đã bị an ninh đến nhà hoặc cơ quan khuyên can, đe doạ hay ngăn chặn để không nhận giải, không đi dự trao giải, đặc biệt tác giả Khuất Đẩu và vợ khi ra ga xe lửa từ Khánh Hoà vào Sài Gòn nhận giải đã bị chặn lại, thu điện thoại để sao lục thông tin, đe dọa và buộc cam kết không vào Sài Gòn. Hai thành viên Ban Giám khảo là Ý Nhi và Ngô Thị Kim Cúc bị an ninh đến nhà ngăn không cho đi dự buổi trao giải. Địa điểm tổ chức cuộc trao Giải tuy đã nhận đặt cọc, cũng bị sức ép phải từ chối vào phút chót.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam cực lực phản đối hành vi xâm phạm trắng trợn quyền tự do đi lại của công dân là các cộng tác viên của Văn Việt, cực lực phản đối hành vi ngăn cản thô bạo, khiến cho buổi trao Giải Văn Việt lần thứ Ba không thực hiện được. Các hành vi đó đã ngang nhiên tạt vào mặt những tuyên bố của nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền con người, quyền tự do ngôn luận; phá hoại mọi cố gắng kêu gọi đoàn kết, hoà giải hoà hợp dân tộc mà nhà nước Việt Nam luôn rao truyền trước cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại.

Qua ba lần giải, Giải Văn Việt ngày càng khẳng định uy tín và giá trị đối với giới văn chương tiếng Việt trong và ngoài nước, khẳng định đóng góp của nó vào việc thúc đẩy sáng tạo, xây dựng nền văn học tiếng Việt tự do, nhân bản, hiện đại.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam chân thành cảm tạ bạn đọc và các cộng tác viên trong-ngoài nước đã luôn sát cánh cùng Văn Việt, cảm tạ các tác giả đã làm nên tên tuổi của Giải Văn Việt, cảm tạ các thành viên Hội đồng Giải đã làm việc vô tư và khách quan, cảm tạ các nhà tài trợ và nhà hảo tâm đã đóng góp vào quỹ Giải Văn Việt lần Ba: TS Nguyễn Quang A, một doanh nghiệp tư nhân tại Sài Gòn, một bạn đọc tại Vũng Tàu, CLB Lê Hiếu Đằng.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam

 

**********

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Diễn từ nhận giải Đặc biệt của Khuất Đẩu (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)

Thưa các bạn

Thật vinh hạnh khi được đứng ở nơi đây trong tiết xuân mát mẻ và trong tình thân hữu ấm áp để nói một đôi lời.

Tôi có người bạn bảo cầm bút bây giờ còn nguy hiểm hơn cả Kinh Kha cầm con dao chủy thủ đi vào đất Tần bất trắc. Vì đất Tần lúc này không chỉ có một, mà có đến những hàng trăm hàng ngàn bạo chúa còn tàn bạo hơn cả Tần Thủy hoàng.

Biết vậy, nhưng tôi vẫn phải cầm lấy bút để viết về những tháng ngày mà thế hệ chúng tôi đã sống và đã chết, trong suốt cơn mê dài của lịch sử với những cuộc bắn giết kinh hoàng, những chia ly mất mát.

Tôi gọi đó là Những tháng năm cuồng nộ.

Qua cuộc đời của một đứa bé bị thả trôi sông, tôi muốn nói đến thân phận của người nông dân Việt Nam, trong gần 100 năm qua, thời nào cũng bị lợi dụng, bị phỉnh gạt, sau cùng là bị bỏ rơi trong đói nghèo và tuyệt vọng.

Nhưng họ vẫn sống, đùm bọc nhau, nương tựa nhau mà sống.

Một cô Sáu, bằng tình thương, một chị Thảo bằng tình yêu, hai người đàn bà một già một trẻ đã đưa nhân vật tên Được vượt qua những đoạn đường gập ghềnh khi phải lăn theo vòng quay của bánh xe lịch sử.

Nhờ vậy mà anh ta sống đến năm 2000, năm mà Chúa bảo là tận thế, để được nghe chào cha đi con như tiếng gọi từ trong mơ hay từ một cõi trời nào đưa lại.

Dù không thoát khỏi cái bóng quá lớn của lịch sử, nhưng khi viết Những đêm trắng là tôi viết về mối tình của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang chứ không phải lịch sử của Việt Nam Quốc Dân đảng.

Một mối tình theo tôi là bi tráng nhất của thế kỷ 20. Ở đó, ngoài tình yêu tổ quốc còn có tình đồng chí, tình chồng vợ và tình mẫu tử. Cô Giang, sau khi chứng kiến người đảng trưởng và cũng là người chồng của mình bị chặt đầu, đã có một đêm thức trắng trên cánh đồng Thổ tang với bao trăn trở: chết theo chồng cho trọn lời thề, hay cố sống để sinh con là những phút giây vật vã đau đớn còn hơn cả Hamlet thao thức “to be or not to be”.

Truyện Những con đom đóm, một người mẹ bất đắc dĩ phải làm cái nghề đáng xấu hổ, đã quyết định từ bỏ nghề để sống sao cho xứng đáng với linh hồn trong sáng của con.

Truyện Ai đã giết A.Q, một cô gái miền Tây chỉ với 500 đô đã trở thành nạn nhân của nô lệ tình dục, còn bi thảm hơn cả cô Kiều khi rơi vào tay Mã Giám Sinh.

Những nhân vật nói trên đều có một sức chịu đựng thầm lặng vô cùng bền bỉ. Họ bị đàn áp, bị đọa đày, nhưng không hề oán than số phận, cũng không cả căm thù. Họ không muốn nổi loạn, chỉ muốn tháo bỏ chiếc gông trên cổ mình chứ không muốn chặt tay kẻ đóng gông.

Nhưng không phải vì thế mà bảo rằng họ yếu hèn bạc nhược. Không có sự dũng cảm nào phi thường bằng sự chịu đựng, cũng không có sức mạnh nào đủ sức đánh bạt cái ác, cái xấu, bằng tình yêu thương.

Thưa các bạn,

Trước năm 2000, tôi chưa hề cầm bút. Và giờ tôi cầm bút nhưng chưa phải là nhà văn.

Tôi không có một hạt giống tư tưởng nào để gieo, không có một học thuyết nào để rao giảng. Tôi chỉ là một công dân bình thường và tầm thường, kể lại những điều đã thấy, đã nghe, nhưng không phải để mua vui một vài trống canh, cũng không phải để khóc than, mà để chứng tỏ một điều rằng, dù nghiệt ngã cay đắng đến đâu, tôi vẫn yêu cuộc sống này và trước khi giã từ tôi muốn được nói lời cảm ơn.

Trước hết, tôi xin cảm ơn Bà tôi mà hình ảnh của cô Sáu có nhiều nét giống bà, nhất là cách kể chuyện và tính tình nhân hậu.

Tôi cũng xin cảm ơn quê hương tôi, một làng quê nghèo gần thành Đồ Bàn với những Thủ ngữ Đực, những Khứ vừa có thật vừa không thật, là những con rối ngô nghê trong chín năm kháng chiến, thời mà người ta gọi là ấu trĩ cách mạng.

Xa hơn, rộng hơn, tôi đặc biệt cảm ơn trí tuệ vô tận của loài người, đã tạo ra một bầu trời mới lạ vô cùng rộng lớn, đó là Internet.

Nhờ có Internet, mà những kẻ cầm bút hôm nay không phải còng lưng ra thồ từng con chữ như Trần Dần, hay phải mòn tay viết văn lên đá như Phùng Quán.

Có thể nói cuộc cách mạng tin học đã hoàn toàn cởi trói cho chúng ta. Rất tự do, rất đường hoàng, như tháp Bút “tả thanh thiên”, chúng ta viết lên bầu trời ảo hàng tỷ trang viết, mà không một Tần Thủy hoàng nào, không một Hitler nào có thể dùng ngọn lửa phần thư mà thiêu hủy được.

Cho dù không được in ấn trên giấy trắng mực đen, không được nâng niu cầm trên tay, nhưng chúng ta biết những con chữ mang hơi thở của cuộc sống vẫn sáng lấp lánh trên màn hình của bạn đọc như những vì sao.

Sau cùng, tôi xin bày tỏ lòng kính phục đối với Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, dù bị văn đoàn ồn ào cấp nhà nước cô lập hòng xóa sổ, vẫn dũng cảm và gan lì tập hợp những cây bút nhân bản trong nước và ngoài nước ngày càng đông đảo, hùng hậu.

Với cách nhìn đúng đắn và trân trọng về nền văn học miền Nam, Ban Vận động cũng đã bước đầu kết nối tình tự dân tộc để bắc cầu cho hai bờ tư tưởng Bắc Nam.

Xin gửi đến Ban Biên tập lòng biết ơn sâu đậm, trong suốt một năm qua đã tải lên Văn Việt những tác phẩm bé nhỏ của tôi để mỗi lần lên mạng, tôi đều xúc động vì biết rằng, dù viết trong cô đơn nhưng tôi không hề cô độc.

Xin cảm ơn các bạn có mặt trong buổi sáng hôm nay.

Xin chúc các bạn sức khỏe dồi dào để viết nhiều và viết hay hơn nữa.

 

**********

 

 

 

 

 

 

 

2

     Khóc cười trên một xứ sở           .                   buồn vô hạn

 

(Về tiểu thuyết Những tháng năm cuồng nộ của Khuất Đẩu)

Ngô Thị Kim Cúc

Cái làng ấy có tên là An Định, nhưng cũng có thể gọi là Bất An, Bất Định hoặc bất cứ tên nào khác, kể cả tên Việt Nam, bởi vì nó đúng là một làng quê Việt tiêu biểu. Tiêu biểu không có nghĩa là nó hội đủ các thứ tinh hoa, lọc lựa, nhân văn nhân bản…, mà vì chính những thứ ấy đã bị thử thách, xúc phạm, chà đạp trên cái làng quê ấy.

Nhân vật chính có tên Lê Văn Được, nhưng tên đó chỉ xuất hiện trong sổ đinh, còn ngoài đời thật người ta gọi hắn là Thằng Chó Đẻ, bởi xuất thân quá tù mù, thấp kém của hắn. Bị thả trôi sông trên một cái nắp bầu trét dầu rái khi mới sinh ra, có vẻ hắn là hậu quả của một cuộc gái trai vụng trộm xấu xa. Hắn đã trôi tấp vào chân một phụ nữ đang đãi cát tìm hến và được bà cứu một cách rất tình cờ. Người đàn bà cũng thuộc loại trôi sông lạc chợ không gia đình nhà cửa này đã nhờ một con chó cái mới đẻ nuôi hắn bằng sữa chó, và vì vậy hắn mới có cái tên đầy miệt thị kia, cái tên ám vào số phận hắn cho đến tận cuối đời.

May mắn lớn nhứt của Thằng Chó Đẻ chính là việc hắn đã rơi xuống cuộc đời mẹ nuôi của mình, một Con Người với sự từ ái, lạc quan bẩm sinh, đã nuôi lớn phần Người trong hắn không phải bằng lời lẽ hay sự ép buộc, mà từ chính những việc làm đơn giản, trung thực và dũng cảm một cách hết sức bản năng. Bà đã bỏ tiền hối lộ để xin cho hắn một suất đinh vì không muốn hắn chẳng tên tuổi và cũng sẽ bị cộng đồng loại bỏ như chính mình, đã cõng hắn tới trường để hắn tập tò học chữ, và luôn là tường thành vững chãi ấm áp, mỗi khi giông bão ập xuống cuộc đời hắn.

Cho dù chỉ là loại cùng đinh mạt hạng, Thằng Chó Đẻ vẫn phải chia sẻ tất cả những gì mà mỗi người dân làng An Định gánh chịu, trong cuộc đổi thay đảo điên điên đảo của thời cuộc.

Ban đầu, với dân làng, đó là những ngạc nhiên bất ngờ khi cách mạng xuất hiện, khi “ông bầu Kiên ngoắc ông lý trưởng đang đứng sợ hãi dưới thềm bảo phải đem nộp gấp con dấu cùng sổ đinh và sổ điền. Khi ông lý vội vàng về nhà thì ông kêu lại dặn thêm phải nộp hết số tiền quỹ”. Rồi sau đó, ông Khứ- một thứ kép không biết hát, chỉ chuyên vai chạy hiệu trên sân khấu bỗng thành người nắm quyền sinh quyền sát với tất cả dân làng, quản lý và quyết định tất tần tật mọi thứ từ tinh thần tới vật chất. Mọi sự cứ xáo tung nháo nhào lên, mọi người chưa kịp hiểu ra chuyện này thì đã có ngay chuyện khác tiếp tới, xoay tít họ như trong cơn bão. Những điều chưa kịp hiểu dần trở thành nỗi hoài nghi, rồi cuối cùng là một sự chịu đựng đầy thách đố, kéo dài tưởng như vô cùng tận.

Nếu ông Khứ là người xung phong cầm búa nện những nhát đầu tiên lên cái bàn thờ thờ các vị tiền hiền trong đình làng thì cô Thảnh cũng thừa tàn nhẫn để lôi bà hương bộ với cái nồi cơm chưa kịp chín đi bêu rếu khắp đường làng, để mọi người đả đảo kẻ đã dám ăn cơm thay vì ăn cháo theo lệnh chính quyền…

Phải chăng kẻ nắm quyền luôn coi dân là thứ thấp kém, là đối tượng cho những suy nghĩ, hành xử kỳ quặc tình cờ hiện ra trong cái đầu thiếu vắng lòng nhân của họ? Phải chăng lổ hỗng quá to về kiến thức đã biến họ thành những kẻ liều lĩnh vô trách nhiệm, gây ra bao thương tổn và thảm họa cho người dân mà vẫn cứ đinh ninh là mình làm đúng?

Thằng Chó Đẻ cũng như bao nhiêu người dân làng An Định, phải è cổ ra gánh chịu tất cả những gì mà kẻ cầm quyền ở các thời kỳ có thể làm với họ. Cho dù các chính quyền đó là những kẻ thù không đội trời chung của nhau, thì với họ dân vẫn giống như cỏ rác, cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết. Hầu hết người dân vốn ít khi quan tâm tới thời cuộc bỗng phải xoay như chong chóng mỗi khi chính quyền thay đổi, hết Nhật lại tới Pháp rồi Mỹ, hết cộng sản lại tới chống cộng rồi lại cộng sản…. Cứ thế, làng An Định tiếp tục chảy máu ngoài da và trong tim, chết vì bị chặt đầu, chết bởi súng bởi bom, chết trong nhà chết ngoài ruộng, chết trên đường chạy loạn, chết đi sống lại không biết bao lần mỗi khi nhớ lại một quãng đời, một người thân đã chết…

Câu chuyện làng An Định được Khuất Đẩu “kể lại” một cách giản dị theo trình tự thời gian. Nhiều chỗ, câu văn gần như trần thuật, chỉ mô tả hành động theo cách đơn giản nhứt, như cố chạy cho kịp các biến cố. Có vẻ như cảm xúc từ các sự kiện tàn bạo quá đau đớn, mà nếu dừng lại để tu từ, thì tác giả thành ra có lỗi với nhân vật.

Cũng có thể coi các chi tiết chính là “kỹ thuật” của Khuất Đẩu. Những chi tiết của ông đều chắt lọc, nồi liền nhau đậm đặc, tạo thành một chuỗi hành động với những ấn tượng rất mạnh. Tất cả giống như một bộ phim, chỉ toàn hành động và hành động.

Rất nhiều đời sống đã được gọi dậy từ những câu văn giản dị. Nhưng có rất ít đối thoại. Thật ra, người trò chuyện nhiều nhứt chính là tác giả: ông đã chuyện trò thay cho bao nhân vật, đã phát ngôn, chia sẻ và thấu cảm cùng họ.

Đọc Những tháng năm cuồng nộ, rất nhiều khi độc giả cảm thấy rằng mình có thể phá lên cười đến chảy máu mắt, vì sự phi lý điên rồ quái gở trong việc con người đối xử với nhau: hành hạ, sỉ nhục, giết chóc nhau… chẳng vì gì cả. Như bị quỷ ám mà không tự biết, đẩy người khác và cả chính mình cùng rơi xuống địa ngục.

Nhưng khi xuất hiện câu thoại hay nhứt trong tác phẩm, chỉ có mấy từ:

-Chào cha đi con.

Mọi thứ thay đổi.

Đó là sự cứu chuộc cho tất cả những điên rồ náo loạn máu chảy đầu rơi suốt mấy chục năm. Đó là sự lạc quan và độ lượng của lòng dân: rốt cuộc, hận thù và cái ác không thể cứ tiếp tục thống trị. Tình yêu và cái đẹp sẽ vượt lên cái chết, nối dài sự sống. Cô gái con ông thầy thuốc ngụ cư ở làng An Định đã sinh cho Lê Văn Được đứa con trai mà chắc chắn cuộc đời nó phải khác hơn, đẹp hơn, Người hơn cuộc đời của Thằng Chó Đẻ ngày nào…

 

 

**********

 

     3

Diễn từ nhận giải Dịch thuật của Phạm Nguyên Trường (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)

 

 

Thưa quý vị và các bạn!

Ngay sau khi chiến tranh Thế chiến II kết thúc, George Orwell đã tự hỏi rằng nước Anh sẽ ra sao nếu nó rơi vào một trong những tín điều độc tài đã và đang thống trị thế giới suốt nửa đầu thế kỷ XX. Đó là lý do để ông chấp bút tiểu thuyết phản địa đàng (dystopia) trứ danh mang tên 1984. Chữ “dystopia” vốn bắt nguồn từ thuật ngữ “utopia” được học giả Sir Thomas Moore đề xướng trong tác phẩm cùng tên ra đời năm 1516. Nếu như utopia biểu thị một xã hội lý tưởng, nơi mà mọi thứ đều hoàn hảo và đáng mơ ước, thì dystopia hoàn toàn ngược lại: nó là xứ phản địa đàng đáng sợ.

1984 chính là đổi lại hai chữ số cuối cùng của 1948, là năm mà tác phẩm này đang được chấp bút. Lúc đó, đối với George Orwell, 1984 là tương lai rất xa vời. Ở thời tương lai đó, thế giới được chia thành ba siêu cường là Eurasia, Oceania và Estasia. Các sự kiện trong cuốn tiểu thuyết này diễn ra ở Oceania, một trong ba siêu cường thống trị thế giới. Lúc đó nền kĩ nghệ đã tiên tiến tới mức đủ sức nâng cao đáng kể đời sống của người dân, người ta có thể chỉ phải làm việc mỗi ngày vài giờ, ai cũng đủ ăn, ai cũng có thể được sống trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, v.v. Nhưng làm như thế là trái với học thuyết mà ba siêu cường này tôn thờ: Đấy là giữ mãi xã hội đẳng cấp và bảo đảm quyền lực vĩnh viễn cho tầng lớp mà tác giả gọi là Đảng. Một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này nói “Đảng tranh giành quyền lực chỉ vì quyền lực. Chúng tôi không quan tâm đến hạnh phúc của kẻ khác, chúng tôi chỉ quan tâm đến quyền lực. Không phải là tài sản, không phải sự xa hoa, không phải sống lâu, không phải hạnh phúc: chỉ có quyền lực, quyền lực thuần tuý… Chúng tôi biết rằng không có ai giành chính quyền để rồi sau sẽ từ bỏ nó. Quyền lực không phải là phương tiện, quyền lực là mục đích. Không ai đi thiết lập chuyên chính để bảo vệ cách mạng, người ta làm cách mạng để thiết lập chuyên chính”.

Và vì vậy mà họ luôn luôn gây chiến với nhau. Mục đích của chiến tranh không phải là tranh giành lãnh thổ, tài nguyên hay thị trường mà là tiêu diệt số sản phẩm thặng dư và giữ nguyên tình trạng tâm lí mà xã hội phân chia theo đẳng cấp cần. Nếu ai cũng giàu có thì tài sản không còn tạo ra khác biệt nữa. Dĩ nhiên, có thể tưởng tượng được xã hội, trong đó tài sản, theo nghĩa tài sản và tiện nghi mà một cá nhân có quyền sử dụng, sẽ được phân phối hoàn toàn đồng đều, trong khi quyền lực lại nằm trong tay một đẳng cấp ưu tú. Nhưng trên thực tế, xã hội như vậy không thể ổn định lâu dài được. Vì nếu mọi người đều có thì giờ nhàn rỗi và không phải lo đến miếng cơm manh áo nữa thì cái đám đông quần chúng, những người do nghèo mà hoá ra hèn, sẽ học đọc học viết và biết cách suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình; và một khi điều đó xảy ra thì không chóng thì chày họ sẽ nhận ra rằng, cái đẳng cấp đặc quyền kia chẳng được tích sự gì và họ sẽ lật đổ chúng. Rút cục, xã hội phân chia theo đẳng cấp chỉ có thể tồn tại trong nghèo đói và dốt nát.

Vấn đề là làm sao giữ cho nền công nghiệp làm việc hết công suất, nhưng tài sản của thế giới thì vẫn không tăng. Hàng hóa phải được sản xuất, nhưng không được phân phối. Chỉ có một cách – đấy là chiến tranh, chiến tranh triền miên.

Bản chất của chiến tranh là tiêu diệt, không nhất thiết phải là con người, mà là sản phẩm do con người làm ra. Chiến tranh là đập tan thành từng mảnh, đốt thành tro bụi, hay nhấn chìm xuống đáy đại dương những thứ có thể được dùng nhằm nâng cao mức sống người dân và như vậy, cuối cùng, sẽ làm cho họ thông minh hơn. Ngay cả khi vũ khí không bị phá huỷ trên chiến trường thì việc sản xuất thêm vũ khí cũng là biện pháp khả dĩ để người dân tiếp tục làm mà không tạo ra bất kì sản phẩm tiêu dùng nào. Về nguyên tắc, các chiến dịch bao giờ cũng được tính toán sao cho chúng có thể tiêu huỷ tất cả những sản phẩm thặng dư, chỉ để lại vừa đủ cho những nhu cầu cần thiết tối thiểu của dân chúng mà thôi. Nhưng trên thực tế, nhu cầu của dân chúng bao giờ cũng bị hạ thấp, kết quả là thường xuyên thiếu thốn, ngay cả những vật dụng cần thiết nhất, nhưng điều đó lại được coi là có lợi. Đấy là một chính sách đã được cân nhắc kĩ: giữ ngay cả các nhóm đặc quyền đặc lợi trong vòng nghèo túng, vì sự khốn khó chung sẽ làm cho những ưu đãi nhỏ trở thành quan trọng và như vậy, càng làm tăng khoảng cách giữa các nhóm với nhau.

Nhưng nghèo đói và chiến tranh vẫn chưa đủ. Muốn giữ mãi xã hội đẳng cấp thì cần phải làm 6 việc nữa:

Bước 1: Thao túng lịch sử bằng cách sửa chữa quá khứ để chứng tỏ rằng Đảng và lãnh tụ luôn luôn đúng theo khẩu hiệu: “Ai làm chủ quá khứ, người đó sẽ làm chủ tương lai; ai làm chủ hiện tại, người đó sẽ làm chủ quá khứ”

Bước 2: Bóp méo ngôn ngữ. Ngôn ngữ bị phá hủy và bị xuyên tạc. Bộ hòa bình thì tiến hành chiến tranh, Bộ sự thật thì tung tin bịa đặt, Bộ tình yêu thì tra tấn, Bộ ấm no thì giữ dân chúng trong tình trạng chết đói. Ngôn ngữa là vỏ của tư duy, khi ngôn ngữ bị bóp méo thì người ta không thể nào tư duy mạch lạc được.

Bước 3: Kiểm soát tư tưởng. Ở Oceania, đời sống của người dân bị nhồi nhét bằng những tờ báo lá cải (gần như không có gì khác ngoài thể thao, tin tội phạm, và chiêm tinh học) và những bộ phim đầy nhục cảm để quần chúng không còn quan tâm tới tới chính trị hay lịch sử nữa.

Không chỉ kiểm soát tư tưởng bằng cách hạn chế thông tin, Đảng còn bóp méo mọi thông tin hòng phục vụ cho sự an toàn của chế độ. Trong 1984 có đoạn như sau “Nhưng thực ra, anh vừa sửa các số liệu của Bộ Ấm no vừa nghĩ, đây cũng không phải là giả mạo. Đơn giản chỉ là thay một tài liệu nhảm nhí này bằng một tài liệu nhảm nhí khác mà thôi. Cũng có khả năng là chẳng ai biết đã sản xuất được bao nhiêu đôi giày và chẳng ai cần biết làm gì. Tất cả những điều người ta biết là: quý nào cũng sản xuất được hằng hà sa số giày, nhưng có thể một nửa dân số Oceania vẫn phải đi chân đất.”

Bước 4: Giám sát hành vi

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, nơi nào Winston Smith, nhân vật chính của chúng ta, đi qua cũng dán đầy các áp phích nhắc nhở rằng “ANH CẢ ĐANG QUAN SÁT BẠN”.

Khuôn mặt Anh Cả xuất hiện ở khắp nơi khiến Winston bị ám ảnh: “đôi mắt ấy vẫn đang theo dõi. Nó theo dõi từ mặt đồng xu, từ con tem, từ bìa sách, từ các biểu ngữ, từ vỏ bao thuốc lá – từ khắp mọi nơi. Đôi mắt dõi theo khắp nơi và giọng nói cũng bao trùm khắp chốn. Cả khi ngủ lẫn khi thức, cả lúc ăn lẫn lúc làm, cả trong nhà lẫn ngoài đường, cả trong phòng tắm lẫn trên giường ngủ – không chỗ nào thoát. Ngoài mấy phân khối bên trong hộp sọ ra thì không có gì là riêng tư hết.”

Màn hình vô tuyến được lắp mọi chỗ, nó có quyền giám sát các cử động của con người và ra lệnh cho người ta điều chỉnh hành vi. Ở các khu vực công cộng còn có cả máy ảnh và thiết bị ghi âm dày đặc đến nỗi một tiếng thở dài cũng có thể bị Cảnh sát Tư tưởng để ý.

Trong khi đó, trẻ em được khuyến khích theo dõi cha mẹ và báo cáo nếu chúng phát giác thấy có điều gì đáng ngờ trong hành vi hoặc thái độ của cha mẹ chúng, còn hàng xóm thì dòm ngó lẫn nhau để tố giác bất cứ lúc nào.

Bước 5: Gieo rắc nỗi kinh hoàng

Bằng những vụ tra tấn, ghế điện, đòn roi, không chỉ đáng ghê tởm trước cảnh tượng lũ chuột đói bị đem thả lên mặt Winston Smith trong Phòng 101 nằm dưới tầng hầm của Bộ Tình yêu, mà còn đầy ám ảnh khi Winston gào lên rằng “hãy làm thế với Julia!”. Nỗi sợ hãi làm người ta phản bội nhau, phản bội cả những người thân yêu nhất mà có lúc tưởng như không thể nào phản bội được.

Bước 6: Tạo ra kẻ thù. Kẻ thù là tác nhân cố kết nhân tâm. Emmanuel Goldstein, người đứng tổ chức gọi là Huynh đệ, mà cũng có thể đây chỉ là tổ chức do Đảng tự bịa ra, luôn luôn là đối tượng của hai phút hận thù, của tuần lễ hận thù. Ngoài ra, Eurasia và Eastasia là những cường quốc thù địch có thể gây chiến bất cứ lúc nào, khiến người dân Oceania luôn trong trạng thái bất an trước chiến tranh.

Người ta làm tất cả những việc đó là để đàn áp tư tưởng, đúng hơn là, xóa sổ tự do tư tưởng, nhưng chính xác thì phải là xóa sổ luôn tư tưởng. Nếu làm được như thế thì Đảng sẽ mãi mãi và luôn đúng và cái xã hội quái thai đó cũng sẽ trường tồn.

Nhưng, là người có lương tri, Winston Smith không chấp nhận sự kiện đó. Anh bắt đầu chống lại nó bằng cách khôi phục lại trí nhớ của mình và luôn luôn tự nhắc mình rằng 2 + 2 nhất định phải là 4, dù Đảng có nói thế nào thì cũng không thể thay đổi được sự kiện đó. Cũng tương tự như nhà thơ Phùng Quán, cách đây 60 năm, đã từng viết:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét.

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao doạ giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Và trong quá trình khôi phục lại sự thật, dù chỉ cho chính mình, dù biết rằng đấy là công việc vô vọng, Winston Smith đã gặp và yêu Julia, một cô gái bề ngoài tưởng như rất yêu Đảng, rất chính thống, nhưng thâm tâm lại rất căm thù Đảng, căm thù dối trá.

Nhưng họ đã bị Đảng phát hiện. Bị tra tấn dã man đến mức họ đã phản bội nhau. Tác phẩm kết thúc với một tương lai đầy u ám, khi nhân vật chính của chúng ta đầu hàng vô điều kiện và đã yêu Anh Cả, hiện thân của Đảng.

Câu chuyện này hẳn đã gợi lại trong tâm trí chúng ta sự kiện là ở đâu đó, một thời nào đó đã từng có một cái gì đó gần giống như thế. Nhưng thật may là cái gần giống như thế chưa chiếm được cả thế giới. Muốn tồn tại nó phải tạo ra xung quanh mình một bức màn sắt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, cả con người lẫn tin tức. Nhưng chỉ cần một vài lỗ thủng trên bức màn sắt, đủ để người dân biết rằng ở ngoài kia, bên ngoài bức màn sắt vây quanh họ, một con chim hét nào đó có thể gửi tiếng hót vào thinh không mà không sợ bị ghi âm và không sợ một nhân viên nào đó của Bộ sự thật nghe lén là bức màn sắt đã sụp đổ tan tành. Và lúc đó, những người lạc quan nhất đã hồ hởi phấn khởi tin rằng bức màn sắt sẽ không bao giờ xuất hiện nữa, từ nay chắc chắn là tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi đều có thể:

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét.

Song, thưa quý vị, thái độ lạc quan như thế dường như là quá sớm.

Nhân danh an ninh và an toàn, tất cả các nước, kể cả những nước dân chủ và tự do nhất đều tăng cường những biện pháp theo dõi các công dân của mình, cả trong đời thực cũng như trên mạng. Và ở gần chúng ta nhất, theo ước tính của IHS Markit (Information Handling Services Markit – công ty chuyên cung cấp thông tin và phân tích), thì hiện Trung Quốc có 176 triệu camera chuyên theo dõi hành vi của các công dân, kế hoạch là năm 2020 sẽ có 450 triệu camera được lắp đặt khắp nơi để theo dõi 1,3 tỷ người. Theo Văn phòng An toàn Công cộng Bắc Kinh (Beijing Public Safety Bureau), 100% dân chúng Bắc Kinh hiện đã nằm trong tầm giám sát của hệ thống camera này. Không những thế, Trung Quốc hiện đang có kế hoạch gọi là chấm điểm độ tin cậy xã hội của công dân. Tất cả những dữ liệu, từ những món hàng người dân mua trong các siêu thị, tài khoản ngân hàng, các khoản vay ngân hàng, những thứ họ xem, họ đọc, họ viết và chia sẻ, thậm chí những mối quan hệ cả ngoài đời lẫn trên trên mạng đều được thu thập và được chương trình chấm điểm đánh giá độ tin cậy. Những người có điểm tin cậy cao có thể dễ dàng xin chiếu khán đi châu Âu hay Mỹ, còn những người có điểm tin cậy thấp có thể không được đi máy bay hay tàu hỏa ngay cả ở trong nước. Và như thế, những người bất đồng chính kiến có thể bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Đáng ngại hơn nữa, Trung Quốc là siêu cường, có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, các nước khác có thể bắt chước cách làm của Trung Quốc.

Một lần nữa chúng ta thấy rằng thông điệp mà tác phẩm 1984 truyền tải vẫn đầy tính thời sự, thậm chí còn thời sự hơn, cấp bách hơn cả giai đoạn mà George Orwell chấp bút tác phẩm này. Và tự là thứ mà chúng ta phải luôn luôn tranh đấu để giành lấy, tự do không bao giờ là thứ cho không, miễn phí.

Thưa quý vị,

Tác phẩm văn học lớn là tác phẩm tìm được sự đồng vọng trong lòng những người đọc thuộc những nền văn hóa khác nhau, ở những thời đại khác nhau. 1984 là tác phẩm như thế. Nó đã tìm được sự đồng vọng và cảm thông trong lòng những độc giả Việt Nam biết tiếng Anh, Nhưng để cho nó lan tỏa trong số đông độc giả tiếng Việt thì cần sự chung tay của rất nhiều người. Nhân dịp này, xin cho tôi được gửi lời tri ân tới nhà văn Phạm Thị Hoài và trang Talawas do chị sáng lập đã đăng bản dịch này cách đây đúng 10 năm. Tôi cũng xin cám ơn nhà xuất bản Giấy Vụn và nhà xuất bản Vô Danh đã in tác phẩm này và cám ơn Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam đã đăng tác phẩm này trên blog của mình và hôm nay lại trao cho nó phần thưởng rất cao quý. Xin được coi đây là phần thưởng dành cho tất cả những người đã góp sức làm cho bản dịch này được đánh giá cao như ngày hôm nay.

Xin cám ơn.

 

**********

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Tính thời sự của “1984” và chất lượng bản dịch của Phạm Nguyên Trường

 

(Nhận xét của Ban Xét Giải Dịch thuật, Giải Văn Việt lần thứ Ba)

Ra đời năm 1949, tiểu thuyết “1984” của Georges Orwell đã nhanh chóng được dịch ra 65 thứ tiếng, là tác phẩm tiếng Anh được dịch nhiều nhất thời kỳ đó. Nó nhanh chóng trở thành một tác phẩm kinh điển thuộc loại tiểu thuyết chính trị và khoa học xã hội giả tưởng.

Ảnh hưởng sâu xa của “1984” thể hiện ngay trong việc nhiều từ ngữ tác giả đặt ra đã đi vào ngôn ngữ tiếng Anh: Big Brother, doublethink, thoughtcrime, Newspeak, Room 101, telescreen, 2 + 2 = 5, memory hole… Tính từ Orwellian ra đời, chỉ sự lừa bịp chính thống, sự kiểm soát bí mật, những từ ngữ đánh lạc hướng một cách trơ tráo, và sự thao túng lịch sử ở một nhà nước toàn trị hay chuyên chế.

Năm 2005, “1984” được tạp chí Time chọn trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 đến 2005, Công ty xuất bản Random House chọn đứng số 13 trong 100 tiểu thuyết thế giới hay nhất thế kỷ XX, và độc giả chọn xếp thứ 6. Năm 2003, BBC xếp “1984” đứng thứ 8 trong cuộc điều tra dư luận bạn nghe đài.

Tháng 11 năm 2011, chính phủ Mỹ tranh biện trước tòa án tối cao về ý muốn tiếp tục chương trình theo dõi cá nhân qua định vị GPS. Thẩm phán Stephen Breyer đã đáp lại: “Nếu vậy, quý vị đột nhiên làm ra một thứ nghe giống như 1984…”.

Năm 2013, sau khi rò rỉ thông tin về chương trình giám sát Internet toàn cầu của NSA (Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ), sách “1984” bán tăng gấp 7 lần. Năm 2017, dẫn đầu danh sách sách bán qua mạng Amazon.

Bản tiếng Việt “1984” của Phạm Nguyên Trường lần đầu ra mắt trên mạng talawas ở Đức từ năm 2008. Tại Việt Nam, nó được NXB Giấy Vụn ấn hành năm 2012 với lời giới thiệu kết thúc như sau:

1984 của George Orwell miêu tả một xã hội đen tối cùng cực, nhưng nó giúp ta nhận diện sâu sắc chế độ toàn trị, để chúng ta có thể thấu hiểu và tránh lặp lại nó, cũng như giúp ta sửa chữa những sai lầm còn tồn đọng mà ta không thể hoặc không dám nhìn thấy. Hiểu theo nghĩa đó, cuốn tiểu thuyết gây ớn lạnh của George Orwell chính là một thông điệp của hi vọng.”

Bản dịch đăng trên Văn Việt đã được chuyên gia thẩm định về tiếng Anh, nhà thơ & dịch giả Trịnh Y Thư (Hoa Kỳ) nhận xét:

“Bản dịch đã bám sát nguyên tác và lột tả trọn vẹn điều nguyên tác muốn trình bày. Bản dịch chứng tỏ dịch giả chẳng những thừa khả năng nắm bắt cả hai ngôn ngữ Anh, Việt mà còn bỏ công sức tra cứu kĩ lưỡng trong lúc dịch. Nói chung, là một bản dịch rất tốt”.

Kết quả bầu chọn của Ban Xét Giải Dịch thuật:

Năm nay, lần đầu tiên Giải Văn Việt bổ sung thể loại Dịch thuật. Hai dịch phẩm vào Chung khảo đều của dịch giả Phạm Nguyên Trường: “Trại súc vật” và “1984”. Kết quả: “1984” được 4 phiếu chọn, 1 phiếu trắng (lý do được người bỏ phiếu đưa ra là không có điều kiện đối chiếu bản gốc tiếng Anh).

Phạm Nguyên Trường là dịch giả sung mãn, có nhiều dịch phẩm được biết đến trong cộng đồng ham đọc sách, đã từng đoạt Giải Văn hoá Phan Châu Trinh và Giải Sách hay về dịch thuật.

 

**********

 

 

 

5

Diễn từ nhận “Giải của Chủ tịch Hội đồng” của Mai Sơn (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)

Tản mạn về truyện ngắn

Mai Sơn

Cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc và Văn Việt đã ưu ái trao giải thưởng cho tôi.

Đây là một vinh dự, và là một niềm vui lớn.Như một làn gió mát trong những ngày nóng nực này.Và tôi lại còn được ban tổ chức dành cho vài phút để trình bày một vài ý nghĩ tản mạn liên quan đến truyện ngắn.

  1. Tôi phải nói ngay rằng tôi thấy không có gì lấn cấn khi trước hết nhắc đến một truyện ngắn rất hay của nhà văn Nguyên Ngọc, đơn giản là vì vẻ đẹp của nó còn mãi trong tôi suốt mấy chục năm qua. Đó là truyện ngắn “Rẻo cao”. Đại khái “Rẻo cao” kể chuyện một nhân viên bưu tá người dân tộc mù chữ. Trước mỗi lần đi đưa công văn, anh cuộn tròn từng cái lại và thắt nơ bên ngoài để biết địa chỉ người nhận. Ví dụ, nơ màu đỏ là công văn đến chủ tịch xã Ngọc; màu tím là Chủ tịch Hội Phụ nữ Kim Cúc; màu xanh lá cây là Xã đội trưởng Sơn… Rất ấn tượng. Nhớ mãi. Nhà văn Nguyên Ngọc đã để lại sau truyện ngắn này cái quan trọng nhất của nghệ thuật viết truyện ngắn, như ông tổ viết truyện ngắn người Mỹ Edgar Allan Poe đòi hỏi và nêu gương: một ấn tượng, một ấn tượng duy nhất.

Truyện ngắn là một lát cắt về con người. Đọc truyện ngắn là đọc cái lõi cây, cái vỏ cây, chiếc lá, cành nhánh, bông hoa mà vẫn có thể hình dung ra một cái cây – một cuộc đời.

Nó không phải là một công trình tâm lý học đúc kết toàn diện về một con người như Dostoievsky từng làm trong các tiểu thuyết của ông, khiến cho triết gia Nietzsche ngạo mạn nhất trong lịch sử tư tưởng cũng phải thừa nhận là đáng học hỏi.

Không như Dos. và các nhà tiểu thuyết có trong tay rất nhiều công cụ để trình bày một cuộc hiện sinh trọn vẹn, nhà văn viết truyện ngắn chỉ có thể được chọn một thủ pháp thích hợp nhất. Không nên nhiều hơn. Không thể nhiều hơn.

Trong viễn tượng đó, khi đã chọn truyện ngắn để làm văn chương, nhà văn biết phải làm gì với những giới hạn vài ngàn từ, một hai nhân vật, một xung đột, một bối cảnh.

  1. Dù hiện thực có mênh mông ngập lụt cách mấy, truyện ngắn cũng có cách chưng cất nó thành những tình huống cá biệt. Truyện ngắn tự bản thân nó có sức mạnh cưỡng chống lại hiện thực quá hạn (hyper-reality) không cho nó tràn lên xóa tan hay làm bá chủ cấu trúc nhỏ gọn của mình. Thấy được điều này là nhà văn viết truyện ngắn đã đi được một nửa đoạn đường nghệ thuật của thể loại.

Nhưng mặt khác, viết truyện ngắn, là nỗ lực vượt thoát cái khuôn khổ chật hẹp đó, để bằng cách nào đó mở rộng thêm cương vực của một nghệ thuật lâu đời theo đòi hỏi của người đọc ngày hôm nay mà không phá bỏ luật chơi của nó. Luật chơi của truyện ngắn là: kể những câu chuyện chất chứa, bùng nổ, hàm súc, âm vọng, ám ảnh… Thường khi là những công án để chiêm nghiệm.

Câu chuyện trong truyện ngắn “Chỉ cạo râu thôi” của Hernando Tellez (Columbia) diễn ra trong một tiệm hớt tóc nhỏ. Người thợ hớt tóc đồng thời là một du kích quân nằm vùng. Người khách vào hớt tóc cạo râu hôm đó là một đại úy, vốn đã giết rất nhiều du kích quân. Và người thợ hớt tóc được giao nhiệm vụ trả thù. Cái gáy của kẻ thù hôm ấy nằm ngon lành dưới lưỡi dao cạo sắc lẻm của mình, nhưng người thợ hớt tóc không thể làm gì được hắn ta. Và tác phẩm hoàn tất của người thợ hớt tóc là một cái đầu tóc và khuôn mặt đẹp chứ không phải là một vụ sát hại.

Giết người không phải dễ, nhất là khi nó xung đột với việc thực hiện thiên chức của ta.
Một truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn (mà tôi không nhớ tên) cũng có sức ám ảnh tương tự. Theo tôi đây là truyện ngắn đặc sắc tầm cỡ thế giới. Truyện kể về một người lính giữ tù trong buổi chiều lạnh lẽo ngồi đốt lửa để sưởi ấm; cuối truyện, tôi nhớ đại khái, “anh ta đứng dậy, khoác súng, dứt khoát đi sâu hơn vào cánh rừng phía sau các lán trại”.

Mùi khói làm anh ta nhớ nhà, khiến anh ta trở nên rất con người; nhưng công việc khiến anh ta có dáng dấp của một con thú, với bản năng thích chui sâu vào trong rừng.

Đọc truyện này thì không dưng liên tưởng đến truyện “Bản đồ nước Pháp” của Albert Camus. Đọc lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ, nhưng đại để truyện kể một sĩ quan dẫn giải một tù bình về trại giam. Qua mấy ngày đi đường, viên sĩ quan có vẻ “cảm thông” với người tù binh. Và khi sắp đến ngã ba, từ trên cao có thể nhìn thấy một con đường mòn nhỏ dẫn về trại giam, một con đường khác lớn hơn dẫn đến… cuộc sống tự do, viên sĩ quan quyết định cho người tù một cơ hội. Anh thả y. Từ trên mỏm dốc cao, viên sĩ quan lòng nhẹ nhõm đứng nhìn y bước đi. Nhưng, chưa hút xong điếu thuốc, viên sĩ quan sửng sốt thấy người tù binh lầm lũi đi vào con đường mòn nhỏ.

Bản năng trở lại rừng, chịu làm nô lệ để được an toàn không dễ gì rời bỏ con người, đặc biệt khi chiến tranh và những hoàn cảnh nghiệt ngã bao vây nó.

Bản năng của con người là cúi xuống để yên thân… Sử gia Mỹ Will Durant viết về thời Cách mạng Pháp: Những cái đầu cúi xuống thì sống lâu.

Khi đã rút ra những chiêm nghiệm như vậy sau mỗi truyện ngắn có chất chứa trí lự, mà không biết là có đồng nhất với sự chiêm nghiệm của tác giả hay không, tôi đi đến chỗ nghĩ rằng truyện ngắn là hư cấu hóa (fictionalize) những tư tưởng hệ trọng có liên quan đến thân phận con người, làm cho nó sống động trong những câu chuyện nhân thế.

Nhưng dù hệ trọng đến đâu, những tư tưởng này không bao giờ có ý định mở rộng thành hệ thống logic, càng không có ý định phát triển thành chân lý. Nó dừng lại trong khuôn khổ của nó, với tác giả của nó lúc ấy cũng không muốn lý giải gì thêm nữa. Trong viễn tượng đó, mỗi truyện ngắn là một động thái tóm bắt một khoảnh khắc hiện sinh, một trạng thái nhân sinh, một tư tưởng, một thái độ trong một tình huống nhất định.

Theo tôi, những truyện ngắn thành công như những công án chiêm nghiệm đó sẽ trở thành những giá trị văn học, thậm chí là giá trị tư tưởng đạo đức của nhân loại, chứ không phải chỉ là những đóng góp như là đặc sản của quốc gia, dân tộc, tôn giáo.

Cần có nhiều truyện ngắn hay để tất cả sắc màu cuộc sống trần gian được phô diễn. Để thấy cuộc sống mênh mông và đa tạp như thế nào và chắc chắn là không có một hệ thống nào, dù là triết học, chính trị, tôn giáo, khoa học có thể thâu tóm được nó. Con người cá nhân luôn có chỗ đứng sống động đặc biệt trong truyện ngắn.

Mỗi người là một cõi riêng. Và thể loại truyện ngắn được sinh ra để làm nhiệm vụ trình bày cõi riêng đó.

 

**********

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Diễn từ nhận giải Thơ của Phapxa Chan (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)

 

Đôi lời

Thông báo nhận giải khiến tôi gật gù và buột miệng một tiếng “wew”. Đó là kết hợp của hai thán từ “wow” và “well”. Tôi không thắc mắc mình có xứng đáng với giải thưởng không. Tôi không quan tâm đến chuyện đó. Tôi wow vì nhớ đến lần đầu tiên tham dự cuộc thi học sinh giỏi văn thành phố cho học sinh cấp 2, tôi đã đem vinh quang về cho đội tuyển với một con điểm 1 thẳng tưng. Tôi khá ngạc nhiên về kết quả đó. Tôi không hiểu sao mình được chọn đi thi và lại càng không hiểu sao mình lại giành được một điểm số đẹp đến vậy. Lúc đó, mọi người buộc phải phì cười vì tôi. Còn giờ đây, tôi lại phì cười vì những người mới chấm cho tôi số 1 thẳng tưng thứ hai trong cuộc đời thi thố văn chương. Điều này mang một ý nghĩa lớn lao vì là một trong những lần hiếm hoi tôi thấy cảm mến những “người lớn”. Kính thưa những “người lớn”, có thể quý vị không biết rằng quý vị vừa ngăn chặn sự lớn lên của một tên khủng bố hoặc một kẻ giết người hàng loạt hay giả không đủ sức thì vẫn có thể trở thành một kẻ dùng ngòi bút để tự làm đau mình và người khác. Bởi vì các người đã đến và lắng nghe tôi, không bắt tôi dạ, ạ, vâng, và đặc biệt không trả cho tôi một con số 1 không lời giải thích như hồi lớp 7; quý vị trả cho tôi một con số 1 khiến tôi được đứng đây trong giờ phút này với rất nhiều sự lắng nghe. Từ sự thật lòng của một thằng bé không-thích-người-lớn-cho-lắm, tôi muốn nói: “Cháu cảm ơn ạ!”.

“Cháu cảm ơn quý cô bác trong hội đồng giám khảo và tất cả các cô bác, anh chị em, bạn bè đã đọc, góp ý và tạo điều kiện chia sẻ thơ của cháu, lại còn mua vé cho cháu vào Sài Gòn để được diện kiến những đại thụ văn học Việt Nam, lại còn ban cho cháu phần thưởng là cháu sẽ có nhiều thời gian để lê la quán xá hơn mà không quá vội đi kiếm chỗ làm bồi bàn để kiếm ăn độ nhật.” Có lẽ tất cả những lời lẽ lễ phép hàm ơn đó vẫn nên nằm trong hai dấu ngoặc kép vì như giới văn chương hậu hiện đại đã nhắc đi nhắc lại một đề xuất của Umberto Eco rằng không nên lặp lại một điều ai cũng biết, chỉ còn cách cho nó vào ngoặc kép: “Như thể Liala nói, anh yêu em một cách tuyệt vọng.” Như thể người ta vẫn hay nói, wow, cháu cảm ơn rất nhiều ạ!

Nhưng mà well, chờ đã; gần đây tôi có viết một câu thơ: “Kẻ cắp cho đi quả táo cuối cùng, hắn láu cá đánh cắp tước hiệu hiệp sĩ từ nữ hoàng.”, tôi thấy kết quả này không ổn đến phì cười. Tôi thấy mình như một kẻ trộm hồn nhiên đi qua nhà ai đó và đánh cắp đúng cái người ta sẵn lòng cho mình. Tại sao lại như vậy? Như một bầy chim thấp thỏm bay xuống sân thóc đã được vãi sẵn để đãi chim, hình như tôi vừa ăn trộm một cái gì đấy mà làm cho người mất rất hoan hỷ. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn nên duy trì trạng thái phỉnh phờ đó cho nó… thơ. Tôi vẫn muốn mình là một con chim ham chơi và sân thóc ấy vẫn luôn ngẫu nhiên tạo điều kiện cho tôi ăn cắp. Chim không có nghĩa vụ phải nhận thóc của ai mà cũng không ai phải có trách nhiệm nuôi chim. Hãy cứ vô tình sắp xếp những cuộc vụng trộm mà cả hai bên đều thích thú!

Và giờ đây, wew, có lẽ tôi đã (hoặc sẽ) thất bại với sự nghiệp làm kẻ giết người hàng loạt, đồng thời, cũng không thể thành công với tư cách là một người giữ gìn đạo đức cho xã hội như một thầy tu, nhưng có một sân thóc luôn sẵn sàng cho tôi hạ cánh để làm một chú chim ham vui. Sân thóc ấy chính là Văn Việt. Dù những người ngồi trong này gọi nó là Văn đoàn Độc lập hay những người đứng ngoài kia gọi nó là “văn đoàn vụng trộm” thì tôi cũng chẳng quan tâm bởi vì “vụng trộm” (trong ngữ cảnh hài hước này) chỉ là khi quyền độc lập của chúng tôi bị những kẻ luôn xướng tuyên “độc lập” vụng trộm tước đi. Nếu có một sân thóc mà các con chim đều bắt buộc phải ăn thì hẳn một vài con chim lại muốn tìm đến một sân thóc mà chúng được vui thích sà xuống rồi thỏa thích bay đi trong sự vui vẻ của chủ nhà. (Trích dẫn từ lời của một tu sĩ đang có bạn gái, là tôi!) Như người ta vẫn thường nói: “Sự thật sẽ cứu rỗi chúng ta.” Một lần nữa, như người ta vẫn thường nói, xin chân thành cảm ơn!

Xin chân thành cảm ơn những người gần bằng tuổi ông nội tôi vẫn đang chịu khó ngồi nghe những điều tôi muốn nói đằng sau những lời hỗn xược trên. Đối với tôi, phần lớn những gì tôi viết ra không từ động cơ diễn ngôn, tuyên bố hay phản kháng; mà ngược lại, tôi thích sự lắng nghe và đối thoại trong không khí hài hước. Văn Việt đã cho tôi cơ hội đó. Xin chân thành cảm ơn!

 

**********

 

 

 

7

             Đôi điều về Phapxa Chan

 

Giáng Vân

Phapxa Chan chỉ mới bắt đầu viết những câu thơ đầu tiên cách đây chừng hơn một năm. Tuy nhiên, ngay từ những bài thơ đầu tiên của Phapxa Chan đã làm tôi sửng sốt. Bởi một ngôn ngữ thơ tinh tế, chính xác và đẹp. Bởi các hình ảnh thơ độc đáo, và những suy tưởng đầy bất ngờ, tươi trong và đủ độ sâu của một trí huệ. Thơ Phapxa Chan làm tôi nghĩ đến một nguồn suối vừa phát lộ, tinh khôi, tuôn tràn mạnh mẽ, mà không hề biết đến mình ẩn chứa một năng lượng tràn đầy đến thế. Và anh viết như thế, mỗi ngày.

Trước đây, khi còn rất nhỏ, số phận đặc biệt của Phapxa Chan đã dẫn anh cùng người mẹ vào chùa đi tu. Cũng sự dẫn dắt của số phận, Phapxa Chan trở thành học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng một bạn tu đồng niên, là nhà thơ Pháp Hoan. Trong chùa, ngoài thời gian tu tập, cả hai đọc và say mê con đường và các tác phẩm của thầy, đặc biệt là những bài thơ. Không chỉ là một thiền sư có một ảnh hưởng bao trùm, thầy Thích Nhất Hạnh, trong mắt hai chàng trẻ tuổi còn là một nghệ sĩ lớn. Phapxa Chan tự học nhạc, học đàn, từ 15 tuổi, anh bắt đầu viết những bản nhạc đầu tiên, phổ thơ của thầy Nhất Hạnh, với những giai điệu trữ tình, hướng thượng, trong trẻo, thấp thoáng suy tư, trầm mặc.

Cảm hứng âm nhạc của Phapxa Chan và con đường tự học, tự tu luyện đã khiến Phapxa đạt những thành quả ít ai ngờ. Chỉ 20 tuổi, anh đã có trong tay hàng trăm ca khúc, tổ khúc, những bản nhạc viết cho giao hưởng… Không chỉ phổ thơ thiền sư Thích Nhất Hạnh, anh còn tự viết lời cho các ca khúc của mình và phổ thơ của bạn tu Pháp Hoan.

Tôi gặp Phapxa Chan đầu năm 2017, trong buổi ra mắt tập thơ Lịch mùa của nhà thơ Pháp Hoan, tập thơ được tài trợ in ấn bởi Ajar và Nhã Thuyên. Hôm đó, Phapxa Chan tự đệm ghi ta và hát ba ca khúc mà anh phổ thơ Pháp Hoan, cử tọa của chương trình hôm đó đã có ấn tượng đặc biệt về chàng trai trẻ nghệ sĩ này.

Tuy nhiên, sau đó Phapxa Chan khi đã trở nên tin cậy, nói với tôi rằng, anh đang bắt đầu làm thơ. Nguyên nhân mà anh nói vui, là làm thơ thì không mất tiền, làm nhạc mất rất nhiều tiền mới dựng được một bài.

Nguyên nhân có vẻ rất buồn cười, nhưng cũng có một phần sự thật, nhưng có lẽ nhờ đó mà Phapxa Chan mau chóng trở thành một nhà thơ hơn, như chúng ta biết…

Quay trở lại với thơ Phapxa Chan, nhà thơ Hoàng Hưng, ngay khi đọc những bài thơ đầu tiên của Phapxa Chan, ông nhận định:

“Hai chiều hướng hình thành trong thơ Phapxa Chan từ những bài thơ đầu tay này:

Một là tính cổ điển thăng hoa; không phải cổ điển bó chặt, định hình của các nhà nho, mà cổ điển của các du tăng, đầy thiền vị, lặng mà vang, hướng tới giải thoát. Hai là tính ấn tượng đi đến xuất biểu của cảm giác mạnh, gây ám ảnh đa đoan trần thế. Hai hướng dường như mâu thuẫn lại đan xen trong phần 1 của của tập bản thảo mà tác giả cho tôi đọc.”

Đúng vậy.

“Nắng rò rỉ vào nhà

làm ướt chân bàn ghế bằng màu vỏ cam

sân không bao giờ quét

để lá phủ kín thời gian

có ai ở nhà không?

khách dợm bước trước có – không

ngập ngừng chừng quay gót”

(Nhà trên núi)

Đoạn thơ này có khí vị của một thứ thơ thiền cổ điển, nhưng lại tung tẩy, sống động, một thứ hơi thở tươi tắn.

Tươi tắn sống động và vang vọng, một thứ âm thanh rất sâu bên trong tất cả mọi sự vật đi qua, lướt qua, chạm vào tâm hồn thi sỹ, khi đó sự vật không còn là nó, nó được soi chiếu bằng ánh sáng của tuệ giác, xuyên thẳng vào bản chất đời sống. Tôi rất thích những bài thơ thế này của Phapxa Chan:

“Tinh thể trinh khôi của cuộc đời là nước mắt

treo trên ngọn trăng tháng chín

rơi trên ruộng đồng mùa hạ

ủ trong rêu mốc mùa đông

Tháng mười một đã sắp qua

người sẽ vén tấm rèm châu để nhìn ra bờ nước?

loài phiêu sinh ăn mừng cơn nắng cuối

trước khi bão về…

Ngập ngụa qua đây là nước mắt vạn tinh cầu

suýt nữa nhận chìm tôi trong biển cát

cát thấm qua da

xuyên thủng lõi tế bào

Thôi đừng

đừng nói gì nữa cả!

cho tôi chết lịm nơi đây

trên bờ cát

mặc cho trăng

bỏng rát trên da”

(Trên bờ cát)

Sự nhạy cảm quá độ của thi nhân đem đến cho anh ta sự phiền lụy, anh ta dù muốn giải thoát khỏi cuộc đời, nhưng khả năng siêu cảm thiên phú khiến anh không thể không buồn, vui, đau thương, khổ não cùng cái cuộc đời đó. Để anh ta nhận ra “ tinh thể trinh khôi của cuộc đời là nước mắt”.

Mà đã vậy, anh ta phải là nhà thơ chứ sao có thể là một tu sĩ. Cái mâu thuẫn mà nhà thơ Hoàng Hưng nhìn ra chính là như vậy.

Lần theo dấu vết những câu thơ Phapxa Chan, tràn ngập sự day dứt, tự vấn, da diết, đau thương nhưng luôn hướng thượng và duy mỹ.

“Tôi – đứa trẻ không quê, một ngày kia trở lại

tìm thấy xác mình ngâm trong ruộng đồng ngai ngái

phân rã từ rơm cỏ ủ hoai

trên vết rách giống loài, máu tôi nở thành hoa trái”

(Tôi)

Hoặc:

“Im đi!

những tiếng chim kia

vườn muốn ngủ

cây lười biếng không thèm nứt vỏ

giam mầm xuân vào tù ngục mùa xuân”

(Im đi)

Rồi nữa:

“Người ơi

đến đây

hoàn thiện tôi giùm đi!

vì Người ơi

xem này!

tôi – phải chăng – là một cánh thiên di?

đã quên mất mình trốn chạy khỏi điều gì

chốn đến lẽ nào cũng buồn thảm như bến đi

Này Người ơi

đến mở lối cho tôi!

một con đường thoát ra ngoài lịch sử

thẳng bay lên

một xứ sở không tên”

(Thiên di)

Một nhận định khác của nhà thơ Hoàng Hưng về thơ Phapxa Chan mà tôi rất đồng ý, đó là:

“Có một điều nổi bật trong toàn bộ bản thảo Thơ Phapxa Chan: năng lực khai thác chiều siêu hình, trừu tượng, từ những chi tiết sống – rất hiếm trong truyền thống Thơ Việt.”

“Âm bản xóm làng”, “Dài” “Dưới trăng”, “ Trên cỏ”, “Gặp người”, “Trò chuyện”… là những bài xuất sắc của Phapxa Chan trong tập “Giọt” và cũng đã in trên Văn Việt, khá tiêu biểu so với nhận định trên đây của nhà thơ Hoàng Hưng.

Xin dẫn:

“Dài

người về từ phố.

cởi xiêm áo. bỗng thấy quãng đường vừa qua dài như một thập kỷ.

một cái bóng mờ với điểm tiếp nối hai bàn chân cứ vươn dài mãi cái đầu về bất tận.

như trẻ con nhìn đàn kiến, tìm mãi con đầu đàn. cái bóng vươn mãi, dài mãi, hút ngược về phố.

người đứng lặng như tượng chết. chỉ đồng tử còn sống sót, đảo hết biên độ dõi theo cái bóng. những ngón tay bỗng theo một mệnh lệnh không từ não bộ, nhúc nhích, dài ra, vươn theo cái bóng.

từ ngón giữa bàn tay trái, cả cơ thể bị kéo theo, dài mãi.

đồng tử bất lực. nhìn. rồi đến lòng trắng nhìn lòng đen đi trước.

đến lượt lòng trắng ra đi. hốc mắt nhìn.

hộp sọ cũng mờ dài theo bóng.

chỉ còn cái nhìn nhìn…”

Bút pháp này được sử dụng rất triệt để trong những bài thơ văn xuôi của Phapxa Chan. Thường là từ một chi tiết, một cảm giác được phóng chiếu thành một biểu tượng, một ám tượng, đầy ám ảnh và cuốn hút.

Dường như đây là một năng lực đặc biệt, báo hiệu cho một hướng đi của thơ Phapxa Chan trong tương lai. Điều mà hôm nay, như nhà thơ Hoàng Hưng, anh ta vẫn còn chưa định hình được một lối viết.

Phapxa Chan còn rất trẻ, tràn đầy năng lượng và khát vọng khám phá.

Điều quan trọng vẫn là cuộc sống và thơ của anh ta vẫn còn ở phía trước, mọi bất ngờ vẫn còn chưa dừng lại để chúng ta còn chờ đợi.

Sự nhất trí của cả Hội đồng giám khảo, 5/5 phiếu, bầu cho Phapxa Chan cho giải thơ năm nay, cũng là điều vui. Vui nữa là, năm nay không chỉ có Phapxa Chan, mà còn có nhiều đề cử cho các gương mặt thơ xuất sắc và bền bỉ khác như Nguyễn Man Nhiên, Jaya K…

GV

19/3/2018

 

**********

 

 

 

 

 

 

8

Diễn từ nhận giải Nghiên cứu – Phê bình của Hoàng Tuấn Công (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)

 

 

Kính thưa Nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch Hội đồng Giải Văn Việt, và Ban tổ chức Giải Văn Việt, 2018!

Kính thưa toàn thể quý vị!

Lời đầu tiên, tôi xin được bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn tới Ban tổ chức Giải Văn Việt, đã vì văn chương học thuật nước nhà, tổ chức Giải Văn Việt lần thứ 3 (2018), trong đó, sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” (NXB Hội Nhà văn, 2017) của tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) đã được Ban tổ chức trao Giải chính thức cho thể loại “Nghiên cứu –  Phê bình”.

Tôi cũng xin được nói lời cảm ơn Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá (nơi tôi đang công tác), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Công ty Sách Phương Nam; cảm ơn độc giả bốn phương, anh em bè bạn, các bậc thầy trong làng văn, bạn văn, đã hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ tôi về mọi mặt trong quá trình làm sách và xuất bản sách.

Kính thưa quý vị!

Tôi là người làm công tác khuyến nông ở Thanh Hoá, yêu nghề và đã gắn bó với nghề hơn 20 năm qua. Một ngày mới với tôi không phải bắt đầu bằng sách vở, chữ nghĩa, mà là ruộng đồng, trang trại, gà vịt, lúa ngô… Môi trường nông nghiệp nông thôn đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết thực tế không có trường lớp nào đào tạo, dạy bảo. Những kiến thức ấy đã góp một phần quan trọng vào nội dung cuốn sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”.

Tuy nhiên, vì khối lượng công việc rất nhiều, nên trước tiên, tôi phải làm xong nhiệm vụ cơ quan khuyến nông giao, sau đó mới có chút thời gian dành cho chữ nghĩa. Bởi vậy, khi sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” được xuất bản, ngoài sự đón nhận nhiệt tình của độc giả, với tôi Giải thưởng Văn Việt 2018 (cũng như Giải sách hay 2017), không chỉ là niềm vui, niềm vinh hạnh, mà còn là nguồn động viên, khích lệ, tạo cảm hứng viết lách rất quan trọng cho tôi-một người cầm bút ở tỉnh lẻ, không có may mắn được hàng ngày tiếp xúc, giao lưu học hỏi các bậc thầy chữ nghĩa và bạn văn, không được sống trong môi trường văn chương, nghiên cứu học thuật.

Hôm nay, vào đúng giờ này, khi quí vị tề tựu đông đủ ở đây, thì từ xứ Thanh, tôi cũng đang hướng về buổi trao Giải Văn Việt lần 3 (2018), với niềm vui, niềm hứng khởi và cùng hy vọng cho Giải Văn Việt vì sự nghiệp văn chương học thuật nước nhà sẽ có nhiều thành công hơn nữa.

Một lần nữa, xin được nói lời cảm ơn và lời chào trân trọng tới toàn thể quý vị!

Thanh Hoá, ngày 25/3/2018

 

**********

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Một trẻ, một già và một câu hỏi

 

Về cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công

Hoàng Dũng

Hai người cách nhau 64 tuổi. Một được đào tạo về dân tộc học, làm công tác khuyến nông ở một tỉnh lẻ, gần như vô danh trong chuyên ngành từ điển, nghiên cứu là chuyện tay trái, sau khi hoàn thành công việc tại cơ quan. Một dạy đại học, nổi danh trong giới nghiên cứu, với danh hiệu Nhà giáo nhân dân, giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, suốt đời cặm cụi làm từ điển, là tác giả và đồng tác giả của gần 10 cuốn từ điển.

2000 cuốn thuần học thuật với giá không hề rẻ mà chỉ trong vòng một tuần bán hết veo và nhà xuất bản phải tính đến chuyện tái bản. Đấy là một sự kiện chưa từng có. Người ta háo hức tìm đọc cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu, một trong những lý do có lẽ là sự “bất đối xứng” khổng lồ giữa hai tác giả. Hơn nữa, trong sinh hoạt học thuật ở nước ta, lần đầu tiên mới có một công trình dày dặn, tới gần 600 trang, do một người viết phê phán một người. Ngày xưa, Ngô Tất Tố có cho xuất bản Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim (Hà Nội: Mai Lĩnh, 1940), nhưng tuổi tác và vị trí học thuật giữa Ngô Tất Tố và Trần Trọng Kim không chênh lệch nhau đến thế và cuốn sách của Ngô Tất Tố cũng tương đối mỏng, chỉ 74 trang.

Nhưng công trình của Hoàng Tuấn Công sẽ nhanh chóng là một xì-căng-đan học thuật nếu nó không có một giá trị khoa học vững chắc. Đọc Hoàng Tuấn Công, phải thừa nhận tác giả có một cách làm việc minh bạch, khoa học: mỗi luận điểm đều được biện giải, dẫn chứng nguồn tư liệu của chính tác giả hay của các công trình đi trước; độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra.

Những ai từng đọc các giai thoại về “Vua chính tả” Nguyễn Lân sẽ sửng sốt khi thấy chỉ trong cuốn sách mỏng (chỉ hơn 100 trang) Muốn đúng chính tả, mà Hoàng Tuấn Công trưng ra được đến 22 lỗi, trong đó có những lỗi khó tưởng tượng được ở một học giả chuyên về từ điển, như quyến , xàm xỡ, trạnh lòng, sun soe, (ngã) xóng xoài, xặc sỡ, dây trun, …

Mà đâu chỉ là chính tả. Làm từ điển tiếng Việt, thì tiếng Việt của tác giả phải ở mức điêu luyện và uyên bác. Đằng này, Hoàng Tuấn Công đưa ra những bằng chứng cho thấy tiếng Việt của cụ Nguyễn Lân quả có vấn đề. Vài ví dụ: (1) Nguyễn Lân: “phá lên cười đgt Nói đám đông đồng thời cười rộ lên: Cả nhà phá lên cười (NgTuân)”. Hoàng Tuấn Công: “Đó chỉ là nghĩa của “phá lên cười” trong câu văn của Nguyễn Tuân. Một người bất ngờ bật lên tiếng cười to, sảng khoái vẫn có thể gọi là “phá lên cười”, hoặc cười phá lên, không dứt khoát phải là “đám đông đồng thời cười rộ””. (2) Nguyễn Lân: “thổn thức đgt Khóc nức nở: Cô thổn thức, cố nén tiếng khóc (NgĐThi)”. Hoàng Tuấn Công: “Đã “khóc nức nở” làm sao còn gọi là “thổn thức”? Thực ra, cách hiểu từ “thổn thức” đã nằm ngay trong câu văn của Nguyễn Đình Thi mà GS Nguyễn Lân lấy làm ví dụ: “Cô thổn thức, cố nén tiếng khóc””. Bao nhiêu lỗi loại này? Hơn 70!

Làm từ điển, nhất thiết phải có một vốn tri thức nhất định về ngôn ngữ học. Hoàng Tuấn Công dành 14 trang để chứng minh cụ Nguyễn Lân không phân biệt được cụm từ, danh ngữ, thuật ngữ, quán ngữ với thành ngữ; tục ngữ với ca dao; thành ngữ, tục ngữ với câu đố; từcụm từ tự do. Điều này sẽ làm nhiều người ngạc nhiên nếu nhớ rằng ngay từ 1956, cụ đã là tác giả bộ sách Ngữ pháp Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 7.

Làm từ điển tiếng Việt mà không có vốn tiếng Hán, thì đó là chuyện liều lĩnh. Hoàng Tuấn Công dành hẳn phần II với hơn 50 trang để phê phán hơn 100 lỗi loại này trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Đó là chưa kể những lỗi ở cuốn này lặp lại ở cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam mà Hoàng Tuấn Công cũng phải dành hẳn phần III với hơn 200 trang để phê phán trên 500 lỗi!

Làm từ điển đòi hỏi phải có kiến thức bách khoa, chứ không chỉ những hiểu biết liên quan đến ngôn ngữ. Hoàng Tuấn Công khẳng định qua rất nhiều dẫn chứng cụ Nguyễn Lân thiếu hụt kiến văn. Như khi cụ cho rằng rắn hổ mang là “loài rắn độc, đầu hình tam giác, hàm dưới bạnh ra như hai cái mang”, thì Hoàng Tuấn Công đính chính: “Có vẻ như soạn giả chưa bao giờ nhìn thấy con rắn hổ mang, cũng chưa tìm hiểu qua tài liệu sách vở xem hình thù nó ra sao: 1. Đầu rắn hổ mang rộng, hơi dẹp, không phân biệt rõ so với cổ, mõm tròn, chứ không phải “hình tam giác”. 2. Phần “bạnh ra” của hổ mang là cổ chứ không phải “hàm dưới””. Hoặc khi cụ giảng vịt già gà to là “Ý nói: vịt có già, gà có to thì thịt mới ngon”, thì Hoàng Tuấn Công phản biện: “Chép sai câu tục ngữ rồi giảng sai luôn nghĩa. Hình thức đúng của câu này là “Vịt già, gà tơ”, nghĩa là vịt phải già tháng nuôi một chút; gà phải là gà tơ, nhảy ổ đẻ mới ngon”.

Và sau hết, hay trước hết, làm từ điển phải có một phương pháp khoa học. Hoàng Tuấn Công cho thấy cụ Nguyễn Lân thiếu hẳn một cách làm như vậy: sách của cụ không hề ghi thư mục tham khảo, hay bất cứ tài liệu, sách báo tra cứu, tham khảo nào; và trên thực tế, rất nhiều lỗi hoàn toàn có thể tránh được nếu cụ cẩn thận tra cứu, chứ không phải suy diễn, phỏng đoán. Mặt khác, có rất nhiều khi cụ lấy từ điển làm nơi để giảng giải quan điểm giai cấp hoặc chính trị, mà quên đi nhiệm vụ của người làm từ điển là giải thích một cách khách quan, đúng như nó được dùng trong thực tế.

Đọc những dòng tự tin chắc nịch “Sai”, “Không đúng”, “Không chính xác”, “Giảng sai”, “Sai hoàn toàn”, “Nhầm”, “Nhầm lẫn”, … người ta thấy thú vị vì cách viết không kiêng nể của một người trẻ đối với một lão trượng. Xấc láo chăng? Năm 1928, ông tú Phan Khôi 41 tuổi, trẻ hơn Hoàng Tuấn Công bây giờ, viết bài bút chiến trên Đông Pháp thời báo với một tên tuổi như Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, tiến sĩ, nhà cách mạng đi tù Côn Đảo 13 năm, đương kim Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cụ Huỳnh nhanh chóng trả lời, nói thẳng tâm phục lời chỉ trích của Phan Khôi! Lẽ nào chúng ta còn thua cách ứng xử cách đây gần một thế kỷ?

Có người vin vào tuổi tác của cụ Nguyễn Lân (Từ điển từ và ngữ Việt Nam viết năm 90 tuổi và hoàn thành năm 95 tuổi) để xác quyết những ý kiến phê phán công trình của cụ là “thật nhẫn tâm với một người suốt đời chăm lo cho sự trong sáng của tiếng Việt”. Đó là là cách nói ngụy biện, đánh vào lòng thương (argumentum ad misericordiam), thay vì trả lời thẳng vào vấn đề. Chưa kể thực ra, không phải đến Từ điển từ và ngữ Việt Nam năm 2000 mới có lỗi, mà dễ dàng chứng minh những sai sót của cụ ngay từ cuốn đầu tiên Muốn đúng chính tả, xuất bản năm 1949, lúc cụ 43 tuổi, xuyên suốt cho đến cuốn cuối cùng. Nói như An Chi, “Học giả hoặc nhà văn, dù đã quá cố, vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã viết” (“Về thái độ của ông Vũ Đức Phúc trong tranh luận học thuật”, Kiến thức ngày nay, số 318, 10/6/1999).

Tuy không phải là người đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của cụ Nguyễn Lân, nhưng Hoàng Tuấn Công có lẽ sẽ là người cuối cùng căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều tranh cãi. Nhìn theo một chiều hướng khác, cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc tranh luận với một cá nhân. Nói như tác giả, “nội dung sách thực chất là những Phê bình và khảo cứu về việc giải nghĩa tiếng Việt”. Đó là một đóng góp lớn cho khoa Từ điển học của nước ta.

Hiện tượng Hoàng Tuấn Công là điều đáng mừng cho học thuật nước nhà. Và nhà xuất bản Hội Nhà văn cho in cuốn sách, là đã vượt qua cái cấm kỵ vô hình, đem đến một làn gió mới cho ngành xuất bản và giới nghiên cứu. Nó cho thấy mọi tượng đài đều phải chịu thử thách của lý trí và mọi vinh danh trong hiện tại không có gì đảm bảo bền vững trong tương lai.

Cuốn sách của Hoàng Tuấn Công đặt một câu hỏi nghiêm túc về cơ chế quản lý khoa học hiện hành: Làm thế nào mà những công trình đầy rẫy sai sót như vậy lại có thể vượt qua lớp lớp kiểm định để nghiễm nhiên được trao Giải thưởng Nhà nước?

Hoàng Tuấn Công sinh năm 1970, con trai nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ. Quê quán: Quảng Hoà, Quảng Xương, Thanh Hoá. Tốt nghiệp đại học 1992. Năm 1994 làm hợp đồng cho Trung tâm Khuyến Lâm Thanh Hoá, phụ trách công tác thông tin tuyên truyền (năm 1995, nhập ba trung tâm Khuyến Lâm, Khuyến Nông, Khuyến Ngư làm một, thành Trung tâm Khuyến Nông Thanh Hoá hiện nay).

Công việc hàng ngày, hàng tuần là trực tiếp xuống với nông dân, ra ngoài ruộng đồng, đến với những trang trại chăn nuôi trồng trọt, để thực hiện những phóng sự truyền hình về các mô hình sản xuất, những thước phim kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp để hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sản xuất, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh… theo từng mùa vụ.

Mỗi tháng, thực hiện sáu chuyên mục “Khuyến nông” trên Đài PTTH Thanh Hoá, mỗi chuyên mục 10 phút; bốn chuyên mục Phát thanh, mỗi chuyên mục 10 phút. Phụ trách tờ tập san Nông nghiệp nông thôn Thanh Hoá (1 quý/số). Ngoài ra, chuyên viết cho chuyên mục “Nhà nông cần biết” của báo Thanh Hoá, mỗi tháng hai kỳ.

**********

Post a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*