- Version
- Download 91
- File Size 6.49 MB
- File Count 1
- Create Date 14/11/2024
- Last Updated 14/11/2024
Từ Phát triển đến Dân chủ
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 70 của tủ sách SOS2,* cuốn Từ Phát triển đến Dân chủ - Sự Biến đổi của châu Á Hiện đại (From Development to Democracy - The Transformations of Modern Asias) của Dan Slater và Joseph Wong, do nhà xuất bản Princeton University Press xuất bản năm 2022.
Đây là một cuốn sách có đóng góp rất quan trọng cho các lý thuyết về dân chủ hóa, hiện đại hóa. Nó khảo sát 12 trường hợp Đông Á và Đông Nam Á, đi theo mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản được bắt đầu từ thời Minh Trị và nhất là sau sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới II. Vùng Á châu ven Thái bình Dương này được các tác giả gọi là vùng Á châu Kiến tạo-phát triển (developmental Asia) gồm các nền kinh tế: Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia và Indonesia. Đặc trưng cơ bản của mô hình kiến tạo-phát triển Nhật bản là: nhà nước chủ động hiện đại hóa, công nghiệp hóa qua các chính sách kinh tế, sự phân bổ các nguồn lực công, khuyến khích hoạt động thị trường, khuyến khích công nghiệp định hướng-xuất khẩu.
Ba nước đầu tiên tạo thành một cụm họ gọi là cụm nhà nước chủ nghĩa kiến tạo-phát triển (statist developmental claster: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan) là những nước đã dân chủ hóa từ sức mạnh độc đoán thành công và hiện là các nước dân chủ, rất giàu, có nền công nghiệp tiên tiến, làm chủ công nghệ cao hàng đầu trên thế giới.
Ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Cambodia là các nước gia nhập muộn vào châu Á kiến tạo-phát triển, nhưng cũng có sự phát triển kinh tế ngoạn mục, có sức mạnh thể chế đủ để dân chủ hóa qua sức mạnh nhưng vẫn tránh dân chủ hóa và họ gọi ba nước này là cụm xã hội chủ nghĩa kiến tạo-phát triển.
Ba nước dưới sự cai trị của chế độ quân phiệt gồm Indonesia, Thái Lan và Myanmar cũng gia nhập châu Á kiên tạo-phát triển vào những thời gian khác nhau và đều thử dân chủ hóa qua sức mạnh với thành công (Indonesia) hay thành công nửa vời (Thái Lan) hoặc bị đảo ngược (Myanmar) vào những thời gian khác nhau.
Ba nền kinh tế một thời là các thuộc địa Anh (Singapore, Malaysia và Hồng Kông) được các tác giả gọi là cụm Britania kiến tạo-phát triển đã có sự phát triển kinh tế rất ngoạn mục và có sức mạnh thể chế đủ để dân chủ hóa qua sức mạnh nhưng đã tránh dân chủ hóa.
Thuyết hiện đại hóa kinh điển được Seymour Martin Lipset, phát triển (1959) trong tiểu luận “Some social requites of democracy: Economic development and Political Legitimacy” được đăng trong The American Political Science Review, vol. 53, No.1 (Mar,, 1959) pp. 69-105. Lipset lập giả thuyết rằng “dân chủ liên quan đến trạng thái phát triển kinh tế. Một cách cụ thể điều này có nghĩa một quốc gia càng sung túc thì cơ hội càng lớn rằng nó sẽ duy trì nền dân chủ” (p.75) và “sự giàu có tăng lên không chỉ liên hệ một cách nhân quả đến sự phát triển của nền dân chủ…” (p.83). Chính vì thế nhiều người diễn giải lý thuyết của ông như sự phát triển kinh tế sẽ dẫn đến nền dân chủ, mặc dù ông không khẳng định như thế (xem cả p. 104 và hình ở p.105). Nhiều tác giả đã nhận ra những hạn chế của thuyết hiện đại hóa kinh điển và đã phát triển thuyết hiện đại hóa mới như Christian Welzel. Theo đó, hiện đại hóa hay phát triển kinh tế tạo ra các nguồn lực hành động (vật chất, trí tuệ, kết nối), trên nền các nguồn lực hàng động này các khát vọng tự do (mà Phan Châu Trinh gọi là dân khí) nảy sinh và chính các khát vọng tự do này là động lực thúc đẩy người dân tham gia vào các phong trào xã hội. Các phong trào xã hội gây áp lực (nâng cầu tự do lên) đòi chính quyền phải thay đổi các định chế cung cấp các quyền đó (nâng cung tự do cho phù hợp với cầu). Quá trình trao quyền đó cũng chính là quá trình dân chủ hóa (khi tất cả các quyền tự do cơ bản, kể cả các quyền chính trị được thực thi trên thực tế). Lý thuyết hiện đại hóa mới minh họa cho các tư tưởng của Phan Châu Trinh về xây dựng dân chủ: nâng cao dân trí, hậu dân sinh [hiện đại hóa để tạo ra các nguồn lực hành động], chấn hưng dân khí [nâng các khát vọng tự do], thực thi dân quyền [tham gia các phong trào xã hội].
Lý thuyết chuyển đổi dân chủ bàn về diễn tiến của sự chuyển đổi của một chế độ phi-dân chủ (chuyên quyền, độc tài, độc đoán trong cuốn sách này gọi chung là chế độ độc đoán) sang chế độ dân chủ. Đó chính là cuộc đấu tranh của nhân dân qua các phong trào xã hội với các nhà lãnh đạo độc đoán để thiết lập chế độ dân chủ. Sự chuyển đổi dân chủ có thể diễn ra theo nhiều cách (từ ôn hòa đến bạo lực) và nhiều phương thức (từ trên xuống đến từ dưới lên) và có những kết cục khác nhau đối với chế độ độc đoán đương nhiệm (từ sụp đổ, đến tự chuyển biến thành chế độ dân chủ).
Các tác giả của cuốn sách này bàn về chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh độc đoán (tức là chuyển đổi từ trên, ôn hòa, với kết cục các thế lực độc đoán tự chuyển biến thành các nhà lãnh đạo tiếp tục hay có khả năng cao để tiếp tục nắm quyền trong nền dân chủ) tại châu Á kiến tạo-phát triển. Các nước không theo mô hình Nhật như Philippines (với sự chuyển đổi từ sự yếu và sự sụp đổ của chế độ Marcos) hay Mông Cổ (với sự chuyển đổi dân chủ thành công từ trên và Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ [Đàng Cộng Sản] đã lấy lại tên đảng cũ, Đảng Nhân dân Mông Cổ, tiếp tục có vai trò to lớn trong nền dân chủ Mông Cổ từ đầu các năm 1990 đến nay: chiếm đa số trong quốc hội trong hơn nửa thời gian; 4 trong 6 vị tổng thống Mông Cổ từ 1990-2024 kể cả tổng thống đương nhiệm đều thuộc Đảng Nhân dân Mông Cổ) tuy cũng thuộc về vùng địa lý này không được đề cập trong cuốn sách này. Tất nhiên những sự chuyển đổi phòng ngừa (preemptive) từ trên như Bulgari, hay những chuyển đổi từ sự yếu dẫn đến sụp đổ như ở Tiệp Khắc hay nhiều nước Đông Âu khác cũng không được đề cập do không thuộc châu Á kiến tạo-phát triển. Nói cách khác, chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh là một tập hợp con của chuyển đổi từ trên. Với sự tập trung chỉ vào 12 nền kinh tế theo mô hình Nhật và ở vùng ven Thái Bình Dương của châu Á, các tác giả đã có những đóng góp quan trọng cho lý thuyết chuyển đổi dân chủ.
Sức mạnh độc đoán, theo các tác giả, là sức mạnh thể chế chứ không phải là sức mạnh cá nhân của các người hùng (strongmen) lãnh đạo: đó là sức mạnh tổ chức của đảng độc đoán cầm quyền; của bộ máy nhà nước đương nhiệm; của quân đội và lực lượng an ninh. Sức mạnh thể chế là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế ngoạn mục. Và đến lượt thành công kinh tế cũng góp phần làm tăng sức mạnh thể chế, nhưng phải phân biệt sức mạnh thể chế và sức mạnh kinh tế. Thành công kinh tế tạo ra tính chính danh thành tích. Nhưng vì hiện đại hóa tạo ra sự bất bình của nó, tạo ra các công dân có đòi hỏi khắt khe hơn nên tính chính danh thành tích phát triển kinh tế là chưa đủ. Như đã nói sức mạnh thể chế của một chế độ độc đoán là sức mạnh tổ chức của đảng độc đoán cầm quyền, sức mạnh tổ chức của bộ máy nhà nước, sức mạnh tổ chức của quân đội và các lực lượng an ninh của chế độ độc đoán đó. Sức mạnh thể chế càng mạnh, thì sự chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh càng có khả năng và càng suôn sẻ. Chúng ta có thể mường tượng sự thay đổi của sức mạnh thể chế độc đoán theo hình sau:
Lưu ý rằng hình trên chỉ giúp chúng ta mường tượng về sự thay đổi sức mạnh thể chế của một chế độ độc đoán. Chế độ cần thời gian để xây dựng và tích lũy sức mạnh của mình (phần đường cong bên trái); sức mạnh tăng lên đến điểm A mà trên đó sự chuyển đổi qua sức mạnh là khả thi, còn dưới đó thì không; sức mạnh thể chế lên đỉnh điểm tại B và bắt đầu giảm dần; khoảng thời gian từ điểm B đến C được các tác giả gọi là cửa sổ cơ hội hay vùng buồn vui lẫn lộn (bittersweet spot): buồn vì sức mạnh bắt đầu giảm nhưng vẫn vui vì vẫn còn đủ mạnh để chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh và vẫn có thể giữ quyền lực (thượng sách, như trường hợp của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia); vượt ra ngoài cửa sổ cơ hội, tức là từ điểm C trở đi thì chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh không còn khả thi nữa: các nhà lãnh đạo độc đoán giỏi nhất có thể thương lượng với đối lập để chuyển đổi dân chủ (trung sách), hoặc tồi nhất sự chuyển đổi với sự sụp đổ của chế độ độc đoán đương nhiệm (hạ sách, như đã xảy ra ở Malaysia 2018).
Tất nhiên, các điểm mốc A, B, C thay đổi theo từng nước (ví dụ điểm B ở Đài Loan và Hàn Quốc và Thái Lan là khoảng 1980; Malaysia 1995; Cambodia 2003; Singapore giữa các năm 2000); còn sức mạnh thể chế của Trung Quốc trước vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã vẫn yếu (vẫn trên đường cong bên trái chưa đạt điểm A), chưa đủ mạnh để chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh nhưng đã đủ mạnh để không sụp đổ, rồi sức mạnh thể chế đã tăng lên nhanh đã vượt quá điểm B nhưng dứt khoát tránh dân chủ hóa. Việt Nam đã vượt quá điểm B nhưng chưa xuống đến điểm C. Nói cách khác ngoài bốn nước đã chuyển đổi dân chủ thành công, còn ba nước ứng viên cho chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh hiện nay là Trung Quốc, Singapore và Việt Nam nhưng ba nước này vẫn tránh dân chủ hóa.
Cũng lưu ý là hình trên chỉ giúp chúng ta mường tượng để hiểu lý thuyết của các tác giả, thực tế phong phú hơn rất nhiều, ví dụ đường không nhẵn nhụi như trên hình, độ dốc của đoạn B-C của mỗi nước rất khác nhau, có trường hợp rất dốc, có trường hợp giảm thoai thoải hơn nhiều.
Tại sao có những nước chọn dân chủ hóa qua sức mạnh với thành công tuyệt vời (Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc) hay thành công khá tốt (Indonesia) trong khi Thái Lan với thành công nửa vời và Myanmar bị đảo ngược, hoặc số khác lại tránh dân chủ hóa? Lý thuyết của hai tác giả này giúp chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi này.
Trước hết nên hiểu một quy luật khách quan không phụ thuộc vào ý chí của bất kể ai hay tổ chức nào: một mặt, hiện đại hóa, sự phát triển kinh tế tạo ra sự bất bình của chính nó, tức là nó không nhất thiết sinh ra các công dân dân chủ, nhưng chắc chắn tạo ra một xã hội và các công dân có đòi hỏi khắt khe hơn (tạo ra cầu tự do tăng lên) và mặt khác, nếu cung tự do (các quyền tự do được luật pháp bảo vệ và được thực thi trong thực tế) không theo kịp cầu tự do, thì nảy sinh căng thẳng hay bất ổn xã hội cần được giải quyết bằng cách nào đó và chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh là cách hay nhất để giải quyết sự vênh cung-cầu này (nếu tránh dân chủ hóa qua sức mạnh thì có thể dẫn đến trung sách hay hạ sách như được nêu trong hình ở trên).
Điểm mấu chốt của lý thuyết của họ là việc làm rõ khái niệm về sự tự tin ổn định và sự tự tin chiến thắng.
Sự tự tin ổn định là sự tự tin của các nhà lãnh đạo độc đoán rằng chuyển đổi dân chủ thì xã hội vẫn ổn định, sự phát triển kinh tế vẫn tiếp tục và dân chủ không gây ra sự mất ổn định. Các nhà lãnh đạo quân đội và các lực lượng an ninh lo nhất là sự mất ổn định và việc tạo cho họ sự tự tin ổn định là cực kỳ quan trọng, họ cũng phải có sự tự tin được miễn trừ, tức là không lo bị trừng phạt về pháp lý trong chế độ dân chủ vì các hành động của họ trong chế độ độc đoán.
Sự tự tin chiến thắng là sự tự tin của các nhà lãnh đạo độc đoán rằng họ và đảng của họ có khả năng cao trong việc thắng các cuộc bầu cử dân chủ tự do và công bằng, giúp họ tiếp tục nắm quyền hay vẫn có vai trò chính trị to lớn trong một nền dân chủ.
Các sự tự tin ổn định và chiến thắng càng cao thì khả năng chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh càng lớn.
Và cuối cùng, hết sức quan trọng là sự LỰA CHỌN của các nhà lãnh đạo độc đoán để tiến hành chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh hay không. Khác với trường hợp khi sức mạnh thể chế độc đoán đã yếu đi và chế độ đôc đoán chỉ có thể chuyển đổi dân chủ khi áp lực dân chúng mạnh đến mức các nhà lãnh đạo độc đoán buộc phải thương lượng với đối lập hay đành chịu sự sụp đổ, một kết cục rất xấu cho các lãnh đạo độc đoán, nhưng cũng không tốt cho đất nước nói chung vì xã hội có thể rơi vào sự bất ổn định; khi sức mạnh thể chế độc đoán còn lớn họ có thể chủ động dân chủ hóa một cách phòng ngừa (để tránh các kết cục xấu) từ sức mạnh thể chế độc đoán. Cái gì thúc đẩy họ làm vậy hay tránh làm vậy? Một đóng góp quan trọng của các tác giả này là họ phân biệt các tín hiệu mà chế độ độc đoán nhận được. Họ phân biệt bốn loại tín hiệu: bầu cử, lôi thôi (hay gây tranh cãi), kinh tế và địa-chính trị.
Các tín hiệu bầu cử là tín hiệu rõ nhất cho biết chế độ độc đoán đã qua đỉnh điểm B hay chưa. Nhiều chế độ độc đoán vẫn tổ chức các cuộc bầu cử toàn quốc (bầu cử quốc hội chẳng hạn) hay địa phương cạnh tranh, tuy có thể không công bằng, và số phiếu hay số ghế mà đảng độc đoán và liên minh của nó nhận được là một chỉ báo rõ nó được lòng dân thế nào. Tất cả 12 trường hợp được khảo sát đã đều có các cuộc bầu cử định kỳ như vậy trừ Trung Quốc và Việt Nam (dù có bầu cử nhưng do không thực chất nên tín hiệu bầu cử không rõ).
Các tín hiệu lôi thôi (contentious), là các tín hiệu mạnh nhất. Khi hàng ngàn (và đôi khi hàng chục và trăm ngàn) công dân đổ xuống đường để đòi cải cách hay thậm chí đòi sự loại bỏ một chế độ độc đoán, thì là không thể cho các nhà lãnh đạo độc đoán để bỏ qua. Tại Hàn Quốc các tín hiệu lôi thôi là rất mạnh nhưng tín hiệu loại này ở Việt Nam là yếu.
Các tín hiệu kinh tế là các tín hiệu không rõ ràng lắm, nhưng các cú sốc kinh tế khi rõ ràng như trong khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp lớn, lạm phát tăng, khiến đời sống nhân dân khó khăn, thì các tín hiệu như vậy có thể quan trọng khiến các nhà lãnh đạo độc đoán phải cân nhắc xem có chuyển đổi dân chủ (như Indonesias) hay không (như Malaysia) trong khủng hoảng tài chính Á châu 1997-1998.
Các tín hiệu địa chính trị đôi khi cũng rất quan trọng và góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh (như ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc) và theo các tác giả này có lẽ cả Việt Nam, còn với Trung Quốc thì các tín hiệu địa chính trị có thể lại chỉ tăng cường sự tránh chuyển đổi dân chủ.
Các tín hiệu có thể báo điềm gở hay điềm xấu (ominous signals) cho biết rằng rằng việc duy trì chủ nghĩa độc đoán hay tăng cường đàn áp không phải là thuốc bách bệnh cho bất kỳ bệnh quản trị hiện hành nào hiện thời đối mặt với chế độ nữa, tức là phải thay đổi. Các tín hiệu làm yên lòng (reassuring signals) cho biết rằng việc triệu tập các cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ không dẫn đến một kết quả tai hại cho các nhà độc đoán đương nhiệm do họ có sự tự tin ổn định và sự tự tin chiến thắng. Nếu bốn loại tín hiệu trên cả báo điềm gở và làm yên lòng một cách mạnh mẽ thì khả năng chuyển đổi từ sức mạnh càng cao.
Việc nhận được các tín hiệu rõ ràng, mạnh thúc đẩy các lãnh đạo độc đoán chủ động chuyển đổi qua sức mạnh, trong khi nếu các tín hiệu là yếu, hay thiếu vắng hay không rõ ràng thì các lãnh đạo độc đoán vẫn nghĩ mình tài giỏi, không có vấn đề gì và tránh hay từ chối chuyển đổi thẳng thừng.
Cấu hình và sự thay đổi của các sự tự tin ổn định và tự tin chiến thắng, của việc nhận được (hay không nhận được) bốn loại tín hiệu cho biết chế độ đã vượt qua đỉnh điểm sức mạnh thể chế và làm rõ tính báo điểm gở và làm yên lòng của các tín hiệu đó, ảnh hưởng lớn đến sự cân nhắc, tính toán của các lãnh đạo độc đoán đương nhiệm và đến sự LỰA CHỌN của họ liệu có tiến hành chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh hay không. Đó là những đóng góp lý luận quan trọng của các tác giả cho lý luận về chuyển đổi dân chủ. Thế bất chấp mọi thứ, các nhà lãnh đạo độc đoán đương nhiệm vẫn CHỌN tránh, hay CHỐNG chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh thì sao? Họ sẽ không thể tránh khỏi phải chịu chế độ độc đoán cay đắng (embittered authoritanism, như Cambodia, Hồng Kông, và Malaysia phải chịu) và các nước tránh chuyển đổi dân chủ sẽ phải chịu; hoặc họ sẽ phải chọn trung sách hay hạ sách trong tương lai. Chúng sẽ không tránh khỏi phải chịu bi kịch của nền chính trị đảng-thống trị hay thảm kịch của các đảng-thống trị (tradegy of dominant-parties).
Qua chín chương của cuốn sách bạn đọc được hai tác giả kể câu chuyện rất lý thú về 11 nghiên cứu trường hợp rất gần chúng ta nhưng đôi khi chúng ta chưa để ý kỹ, kể cả một nghiên cứu ngắn về chính Việt Nam.
Theo các tác giả này Việt Nam là một ứng viên cho chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh. Việt Nam đã vượt qua đỉnh điểm B khoảng giữa các năm 2010, vẫn nằm trong cửa sổ cơ hội. Các nhà lãnh đạo ĐCSVN có chọn chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh hay khăng khăng tránh nó? Chúng ta nhân dân Việt Nam có thể làm gì để bảo ĐCSVN hãy tự tin hơn để chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh, để xã hội tiếp tục ổn định, tiếp tục phát triển kinh tế, để ĐCSVN “tự diễn biến” (ví dụ qua việc lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam) thành một đảng dân chủ có khả năng tiếp tục thắng cửa trong các cuộc bầu cử dân chủ, tự do và công bằng ở Việt Nam trong tương lai? Chủ động chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh cũng làm tăng tính chính danh hay trao tính chính danh mới cho đảng độc đoán cũng như các nhà lãnh đạo của nó. Trong trường hợp này ĐCSVN có thêm tính chính danh mới như đảng đưa dân chủ vào Việt Nam. Mỗi người hãy đọc cuốn sách này và rút ra bài học cho chính mình.
Tôi chân thành giới thiệu cuốn Từ Phát triển đến Dân chủ của Don Slater và Joseph Wong cho tất cả những người Việt mong đất nước dân chủ, giàu mạnh, làm chủ công nghệ tiên tiến. Tôi đặc biệt mong các đảng viên ĐCSVN, nhất là các vị lãnh đạo của nó bỏ chút công đọc cuốn sách này để góp phần xây dựng hay làm rõ nội hàm của Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.