Đôi khi người ta quên mất rằng sự bành trướng của ngành giáo dục Mĩ đã tạo ra một trăm năm phát triển.
Trong những buổi thảo luận về Nền kinh tế Mĩ giai đoạn tiếp theo với Giáo sư Larry Katz diễn ra vào tuần trước, ông đã tập tung nói về tác phẩm do ông viết chung với Giáo sư Claudia Goldin, với nhan đề Cuộc chạy đua giữa giáo dục và công nghệ (The Race Between Education and Technology). Nếu bạn chưa đọc cuốn sách thì bạn sẽ không hiểu được nhiều vấn đề trong nền kinh tế của chúng ta. Nếu bây giờ, sau khi đã được nghe nói về cuốn sách, mà bạn vẫn không đọc ít nhất là phần dẫn nhập của nó thì bạn nên lấy làm xấu hổ. Giáo sư Larry đã đưa ra một số nhận định căn bản. (Dưới đây là những nhận định mà tôi cho là quan trọng nhất, Giáo sư có thể nghĩ khác).
Thứ nhất, ít nhất 25% của sự gia tăng năng suất lao động – cũng có nghĩa là sự phát triển kinh tế của nước ta – trong suốt 100 năm qua (từ năm 1870 đến 1970) có liên quan trực tiếp với sự gia tăng số năm đi học trung bình của người Mĩ. Có nhiều khả năng là trên thực tế, đóng góp của giáo dục cho sự phát triển kinh tế lớn hơn rất nhiều, 25% là con số tối thiểu.
Thứ hai, trong suốt giai đoạn này, chẳng những kinh tế có tốc độ phát triển cao mà quyền bình đẳng cũng được cải thiện, mặc dù đã có những thay đổi cơ bản cả trong kinh tế lẫn công nghệ – sự thay đổi cũng lớn như những thay đổi mà chúng ta đã thấy trong 30 năm qua. Nói cách khác, chúng ta đã trải qua tất cả những chuyện này rồi. Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục mà chúng ta đã giải quyết thành công những tác động của biến đổi công nghệ trong quá khứ. Không có lí do gì để lần này chúng ta không giải quyết được.
Thứ ba, những thay đổi cơ bản trong lĩnh vực giáo dục giai đoạn này diễn ta trong phong trào gọi là “phổ thông trung học”, tức là phong trào của những người dân bình thường, những người nhìn thấy rằng cơ sở cho thành công của cộng đồng là mọi người, không phân biệt giới tính, đều được đi học miễn phí.
Thứ tư, thời gian gần đây không có cuộc cách mạng nào trong lĩnh vực giáo dục có phạm vi rộng như phong trào “phổ thông trung học” và những thay đổi to lớn như thế – sự phát triển của hệ giáo dục sau phổ thông – không còn là miễn phí nữa. Chính vì vậy mà những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục đã chậm lại, kinh tế phát triển chậm và bất bình đẳng gia tăng.
Cuối cùng, sự thụt lùi trong lĩnh vực giáo dục có thể là tác nhân quan trọng hơn trong việc gia tăng một cách nhanh chóng hiện tượng bất bình đẳng chứ không phải là việc tập trung thu nhập vào tay 1% những người giàu có nhất, như báo chí thường viết.
Trên cơ sở buổi thảo luận với Giáo sư Larry , tôi rút ra kết luận rằng thần chú của phong trào chính trị thành công tiếp theo ở Mĩ phải là sự phát triển bền vững, công bằng và đấy là mục tiêu hợp tình hợp lí.
Xin nói thêm. Trong một vài năm nữa chúng ta có thể bước vào giai đoạn phát triển kinh tế với tốc độ tương đối cao, trong một thời gian dài, đấy là nói nếu chúng ta thay đổi được đường lối của mình. Tôi đã viết về vấn đề này trong bài báo với nhan đề Phong trào Phục hưng của Mĩ.
Nhưng đây không phải là việc dễ. Nếu muốn có tốc độ phát triển trong 20 năm tới đây cao hơn tốc độ phát triền trong 20 qua, chúng ta phải làm một cuộc các mạng trong lĩnh vực năng suất lao động. Tốc độ phát triển kinh tế chủ yếu phải từ năng suất lao động – trong thập kỉ tới, khoảng 80% là do đóng góp của năng suất lao động, thay vì 35 đến 50% như trong ba thập kỉ vừa qua. Muốn giữ tốc độ phát triển như ba thập kỉ vừa qua, năng suất lao động phải tăng khoảng một phần ba. Nếu điều đó không xảy ra, thế hệ sinh ra trong thập kỉ trước sẽ trở thành những người chứng kiến sự gia tăng khoảng 60% thu nhập trung bình trên đầu người, như thế hệ những người sinh ra trong thập kỉ 60 từng chứng kiến.
Việc duy nhất chúng ta có thể làm nhằm gia tăng tốc độ phát triển của năng suất lao động là nâng cao trình độ học vấn của người Mĩ. Nhưng phát triển bền vững, công bằng không phải là mục tiêu mà hai đảng đang tập trung vào. Tái phân phối thu nhập mà phong trào tiến bộ hiện thời đang tập trung vào là việc làm không đúng chỗ, nhưng lại có lợi cho họ. Không đúng chỗ là vì có những biện pháp tốt hơn, có giá trị hơn nhằm đạt được cả bình đẳng hơn lẫn phát triển hơn; có lợi cho họ vì nó giúp người ta bỏ qua nhiều vấn đề khác. Phái hữu bị thị trường tự do ám ảnh – đấy còn là ý tưởng điên rồ, hơn vì họ hoàn toàn bỏ qua lịch sử phát triển kinh tế của nước Mĩ.
Cuộc cách mạng thật sự tiếp theo trong lĩnh vực giáo dục của Mĩ không phải là mở rộng đơn thuần hệ thống đã có sẵn. Nó phải là sự kết hợp của việc học tập và cấp chứng chỉ trong suốt cuộc đời, phải cố gắng dạy cho học sinh những phương pháp để họ có thể thường xuyên nâng cao kiến thức của mình, phải cố gắng giữ vững điều mà Giáo sư Larry Katz gọi là huấn luyện theo hoàn cảnh, đổi mới và củng cố hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng của chúng ta, biến internet thành hệ thống dễ sử dụng và hướng tới từng người học cụ thể, và những khoản chi phí dài hạn. Tôi cho là trong khoảng thời gian dài, mỗi năm cần chi từ 50 đến 75 tỉ USD, tức là một phần ba đến 0,5% GDP.
Không muốn nhắc đi nhắc lại những điều tôi thường nói, nhưng cánh cửa trước điều có thể gọi là chủ nghĩa tiến bộ mới hay phong trào bảo thủ mới đang rộng mở. Lúc đó những người cánh hữu cũ sẽ hướng tới nền kinh tế thị trường tự do và không bị kiểm soát. Còn những người cánh tả cũ sẽ hướng tới việc phân phối thu nhập. Nhưng công việc xây dựng xã hội có thể hoạt động được, trên cơ sở phát triển bền vững và công bằng, lại do những người muốn khát vọng của mình trở thành hiện thực thực hiện.
Bowman Cutter
Phạm Nguyên Trường dịch từ Salon
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng
Bowman Cutter là một thành viên cao cấp và Giám đốc dự án kinh tế sau Mỹ tại Viện Roosevelt.