- Version
- Download 626
- File Size 3.05 MB
- File Count 1
- Create Date 11/04/2020
- Last Updated 11/04/2020
DÂN CHỦ ÍT HƠN 10%
Bạn đọc đang cầm trên tay cuốn thứ bốn mươi lăm* của tủ sách SOS2, cuốn Dân chủ Ít hơn 10% của Garett Jones (10% Less Democracy, Stanford University Press, 2020).
Cuốn sách này là cuốn thứ 16 về dân chủ và dân chủ hoá của tủ sách, và có thể gây tranh cãi. Trong khi các cuốn trước cổ vũ cho dân chủ, dân chủ hoá thì cuốn này lại ngụ ý khuyên các nền dân chủ giàu có (như tác giả nêu rõ) hãy bớt dân chủ đi một chút, chẳng hạn bớt đi 10%. Tất nhiên con số 10% mang tính tượng trưng. Singapore được tác giả coi là một nền dân chủ ít hơn 50%. Vẫn theo những con số 10%, 50% mang tính tượng trưng đó, Việt Nam có lẽ là một nền dân chủ ít hơn 90%, cho nên việc phấn đấu để đạt mức dân chủ ít hơn 50% hay 20% vẫn là mục tiêu lớn và ước mơ cao cả. Tuy tác giả nêu rõ các cải cách mà ông khuyến nghị là dành cho các nền dân chủ giàu có, Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản chẳng hạn, nhưng cũng rất bổ ích cho các nước còn dưới chế độ độc tài để suy ngẫm về những cải cách chính trị của mình.
Mùa xuân năm 2015 tác giả đã có một bài giảng cùng tên với đầu đề cuốn sách nêu vài ý tưởng ban đầu cho một câu lạc bộ sinh viên, một tờ báo tường thuật chính xác và chi tiết bài thuyết trình đó. Sau đó ông đã bị “ném đá” khủng khiếp trên truyền thông xã hội; thậm chí cảnh sát khu vực đại học đã phải cảnh báo ông. Và vụ “ném đá” đã là một động lực để ông đào sâu các suy nghĩ ban đầu đó thành cuốn sách này sau gần 5 năm.
Cuốn sách mang đầy tính hiện thực chính trị này đưa ra một số khuyến nghị cải cách rất thực dụng:
- Trong các lĩnh vực mang nặng tính chuyên môn như kiểm toán, ngân hàng, viễn thông, điện, nước, y tế, chống dịch, an toàn thực phẩm, môi trường, … nhiệmkỳ của các nhà điều tiết (regulator) nên dài hơn nhiệm kỳ của các chính trị gia; trong khi tại nhiệm họ chỉ bị phế truất khi vi phạm luật nghiêm trọng và thủ tục phế truất phải rõ ràng; họ nên được chỉ định theo đề nghị của các uỷ ban đánh giá tài năng và năng lực hơn là được bàu. (Vấn đề này thường ít gây tranh cãi hơn; họ nên độc lập về mặt chính trị và về mặt kinh tế với các chính trị gia và xa các cử tri; mặt khác do chỉ bàn đến chính quyền, nên tác giả không nhắc tới các tổ chức giám sát, chó canh [watchdog] của xã hội dân sự mà chỉ bàn về các tổ chức điều tiết hay giám sát của nhà nước, tức là một bộ phận của chính quyền; cũng lưu ý về khái niệm dân chủ đại diện rộng hơn, bao gồm cả các tổ chức như vậy trong, ngoài nhà nước thậm chí khu vực và quốc tế của John Keane trong cuốn The Life and Death of Democracy, Simon & Schuster, 2009).
- Tưpháp độc lập, với nhiệm kỳ và sự chỉ định của các thẩm phán tương tự như với các nhà điều tiết nêu trên (thực ra hàng thế kỷ nay đây đã là thông lệ ở các nền dân chủ giàu và thực sự như tấm gương cho khuyến nghị trong điểm 1. chứ không phải ngược lại; và các cử tri không có mấy tiếng nói trong quá trình này).
- Quyền của các cử tri để có một chính phủ có năng lực để đảm bảo “các quyền” dân sự và chính trị của mình. Vì các quyền “trên giấy” chẳng bao giờ trở thành hiện thực nếu không có chính phủ đủ năng lực. (Tất nhiên vì chỉ bàn đến chính quyền, tác giả không nhắc đến sự thực rằng chính các phong trào xã hội đòi các quyền đó và gây áp lực buộc các chính phủ phải biến các quyền “trên giấy” thành các quyền thật sự). Nếu dân chủ có nghĩa là dân trị, dân cai trị mình, thì dân phải có đủ năng lực để bầu chọn ra chính phủ có năng lực đó; nói cách các cử tri phải là các cử tri am hiểu, có “dân trí” cao. Tức là, phải có điều kiện mới có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chính trị (hạn chế về tuổi được tất cả các nước sử dụng, thí dụ ở Việt Nam phải từ 18 tuổi trở lên, hầu hết các nước cũng có các hạn chế khác như với những người phạm tội ác, không đủ năng lực,…). Đây là vấn đề có thể gây tranh cãi, nhưng được tác giả phân tích kỹ và ông còn đề xuất phải có mức giáo dục nhất định mới có quyền bỏ phiếu, thí dụ phải có bằng tốt nghiệp trung học mới được bỏ phiếu bàu thượng viện.
- Nhiệm kỳ dài hơn cho các chính trị gia (nhiệm kỳ 2 năm cho Hạ nghị sĩ ở Mỹ có thể là ngắn) và để tránh nhiễu của truyền thông xã hội, có thể nên tổ chức các cuộc bầu cử xen kẽ (như các Thượng nghị sĩ Mỹ có nhiệm kỳ 6 năm nhưng mỗi 2 năm bầu lại 1/3 số Thượng nghị sĩ hết nhiệm kỳ) để đảm bảo tính ổn định và liên tục của cơ quan lập pháp.
- Ông cũng kiến nghị vài cải cách khác, như đề xuất cho những người nắm giữ trái phiếu chính phủ (các chủ nợ) một vai trò chính thức trong chính phủ (cố vấn hay một tỷ lệ ghế trong thượng viện để chính thức hoá sự thực là các chủ nợ đằng nào cũng đã có rồi ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách kinh tế) hay kéo dài nhiệm kỳ tổng thống thành 6 năm chẳng hạn. Ông cũng sử dụng các từ mới như nền tri trị (epistocracy, sự cai trị của những người am hiểu) do Brennan khởi xướng hay tự tạo ra từ mới như Sapientum (có thể để thay thế cho Thượng Viện).
Tác giả sử dụng các lập luận lý thuyết, những kinh nghiệm thực tiễn và lịch sử, cũng như những tư tưởng của các tác giả cổ đại như Socrates, Aristotle, Polybius, cận đại như Machiavelli, cũng như rất nhiều học giả nổi tiếng đương thời để trụ đỡ cho các đề xuất cải cách của mình.
Thí dụ ông đúc kết kỹ nền cộng hoà, các hình thức chính phủ của 1 người (monarchy, quân chủ với vị vua nhân từ có thể vì dân, nhưng cũng có thể là vị vua chuyên quyền chỉ lo cho mình giống các chế độ độc tài [dictatorship] khác); hình thức chính phủ của một số ít người (chế độ quý tộc, aristocracy, của số ít nhà quý tộc cha truyền con nối có thể vì dân nhưng cũng có thể chỉ vì chính họ như chế độ quả đầu, olygarchy) [trong cuốn sách “quả đầu” được dùng với ý nghĩa trung lập hơn để chỉ “ít người” và chế độ quả đầu ý nói đến sự cai trị của ít người]; và hình thức chính phủ dân chủ thuần khiết (sự cai trị của đông người, như dân chủ trực tiếp ở Athens cổ đại) với cặp xấu đối lại của nó là vô chính phủ. Lưu ý rằng 3 loại chính phủ được biết đến từ cổ xưa này luôn có cặp đôi của nó: quân chủ với vị vua nhân từ — độc tài, chuyên chế; quý tộc — quả đầu; dân chủ thuần khiết — vô chính phủ. Từ thời cổ đến cận đại và đến tận ngày nay người ta cố tìm ra hình thức chính phủ “tốt nhất”. Có lẽ không có hình thức tốt nhất, nên việc tìm kiếm thực tế hơn là để tìm hình thức bớt các mặt xấu đi và nhiều mặt tốt hơn, nói cách khác cần sự cải cách tiệm tiến để cải thiện hình thức chính phủ, để tăng năng suất lập pháp, để có các chính sách có kết cục tốt hơn để phục vụ nhân dân. Tác giả cho rằng, từ Socrates, Aristotle thời cổ, Machiavelli thời cận đại, đến nhiều nhà tư tưởng thời nay đều thấy một hình thức tốt hơn là hình thức hỗn hợp của quân chủ, quý tộc và dân chủ mà thường được gọi là dân chủ đại diện hay polyarchy (hàm ý chế độ cai trị của nhiều người nhưng không phải của số đông) theo cách dùng từ của Dahl. Rất quan trọng để nhận ra rằng cả 3 hình thức đều có cặp xấu của nó và hình thức hỗn hợp cũng có thể có các yếu tố biến tướng thành xấu như vậy, cho nên luôn phải cảnh giác, thận trọng, thí dụ cải cách nên là từng bước, tiệm tiến, với việc thử nghiệm và xem xét kết quả, hiệu chỉnh cải cách sao cho đạt được các kết quả kinh tế-xã hội tốt hơn và các nguyên tắc cốt lõi như cạnh tranh chính trị, kiểm soát và cân bằng vẫn luôn phải được tôn trọng.
Tác giả cũng nêu bật một số điểm, tuy không phải ý tưởng gốc của ông mà là của những người khác từ xưa, thoạt nghe có vẻ khá lạ nhưng nghĩ kỹ lại thấy khá hiển nhiên, như: các chủ nợ có thể có vai trò kiểm tra, giám sát quan trọng đối với chính phủ chẳng kém các cử tri; hay không-có trách nhiệm giải trình với cử tri ở một số lĩnh vực là tốt hơn có-trách nhiệm giải trình với cử tri; thậm chí dân chủ cũng cần “tham nhũng” để thành công… Những thảo luận của ông về EU và Singapore cũng rất lý thú.
Cuốn sách có thể gây tranh cãi này của Garett Jones rất bổ ích cho các bạn đọc Việt Nam không chỉ vì nó cho chúng ta một cách nhìn khác, thực tiễn hơn về dân chủ, nó phân biệt rõ dân chủ với chủ nghĩa khai phóng (liberalism) và nhất là nó đưa ra những kiến nghị cải cách được nêu rõ để dành cho các nền dân chủ giàu để bớt dân chủ đi một chút, nhưng hết sức bổ ích cho các nước đang phấn đấu cho dân chủ vì nó có thể chính là cách để củng cố nền dân chủ đại diện, nền dân chủ khai phóng (liberal democracy, dân chủ tự do) mà chúng ta phấn đấu. Nó có thể gây tranh cãi về những phân tích về các quyền con người của ông, nhưng chỉ có tranh luận mới thúc đẩy sự hiểu biết và sự phát triển.
Tất cả những ai quan tâm đến dân chủ, đến việc xây dựng một chính quyền tốt, có năng lực, đến sự phát triển của một Việt Nam dân chủ, tự do, giầu mạnh rất nên đọc cuốn sách này. Đó là các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, các chính trị gia, các luật sư, các nhà kỹ trị, các nhà chuyên môn trong mọi lĩnh vực, các nhà báo, nhà kinh tế, sinh viên, nhưng cũng rất bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu.
Đây là một cuốn sách ngắn (phần văn bản chính chỉ dưới 200 trang và bản dịch với khổ lớn hơn chỉ khoảng 130 trang) rất đáng đọc. Các chú thích đánh dấu * dưới trang là của người dịch. Tôi đã cố dịch cho sát nghĩa, nhưng do hiểu biết có hạn nên chắc chắn còn nhiều sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và góp ý để hoàn thiện bản dịch.
Hà Nội 10-4-2020
Nguyễn Quang A
* Các quyển trước gồm:
- Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)
- Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
- Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
- Soros: Giả kim thuật tài chính
- de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí ẩn của Vốn]
- E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
- A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô
- Soros: Xã hội Mở
- Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
- Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
- Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx
- Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học
- Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006
- Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn
- Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
- Kornai János: Lịch sử và những bài học, NXB Tri thức, 2007
- Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận
- Murray Rothabrd: Luân lý của tự do
- Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng
- Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống
- Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.
- Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012
- Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)
- Kỷ yếu hội thảo Đại học Michigan: Bàn tròn Ba Lan-Những bài học, 2013
- Thương lượng những thay đổi cơ bản: Hiểu và mở rộng các bài học của các cuộc đàm phán Tròn Ba Lan, 2013
- Adam Michnik: Những lá Thư từ Nhà tù và các Tiểu luận khác, 2013
- Elzbieta Matynia: Dân chủ ngôn hành, 2014
- Josep M. Colomer: Lý thuyết Trò chơi và Chuyển đổi sang Nền dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha, 2014
- Lisa Anderson: Chuyển đổi sang Dân chủ, 2015
- Paul J. Carnegie: Con Đường từ Chủ nghĩa Độc đoán đến Dân chủ hóa ở Indonesia, 2015
- Hsin-HuangMichael Hsiao (ed.): Các nền Dân chủ Á châu Mới: So sánh Phillipines, Hàn Quốc và Đài Loan, 2015
- Larry Diamond và Marc Plattner (biên tập) Dân chủ có Suy thoái? 2016
- Chistian Welzel, Tự do đang lên – Trao quyền cho con người và truy tìm sự giải phóng, NXB Dân khí 2016
- Guy Standing, Precariat – giai cấp mới nguy hiểm, NXB Dân khí, 2017
- Bob Jessop, Nhà nước – Quá khứ, Hiện tại, Tương lai NXB Dân khí, 2018
- Fortunato Musella, Các Lãnh tụ Vượt quá Chính trị Đảng, NXB Dân khí, 2018
- Jamie Barlett, Nhân dân vs Công nghệ: internet đang giết dân chủ như thế nào (và chúng ta cứu nó ra sao), NXB Dân khí, 2018
- Yang Zhong, Văn hoá và sự Tham gia Chính trị ở Trung Quốc Đô thị. NXB Dân khí, 2018
- Donatella della Porta, Teije Hidde Donker, Bogumila Hall, Emin Poljarevic và Daniel P. Ritter, Các Phong trào Xã hội và Nội chiến – Khi các cuộc phản kháng cho dân chủ hoá thất bại. NXB Dân Khí, 2018
- Donatella della Porta, Huy động cho Dân chủ–So sánh 1989 và 2011.NXB Dân Khí, 2019.
- Hồi ký Triệu Tử Dương, NXB Dân Khí, 2019.
- Gabriel Zucman, Của cải giấu giếm của các quốc gia: Điều tra về các thiên đường thuế, NXB Dân Khí, 2019
- Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, Chiến thắng của sự Bất công: Những người giàu Tránh Thuế Ra sao và Làm thế nào để Khiến Họ Đóng, NXB Dân Khí, 2019
- Andreas Fulda, Cuộc đấu tranh vì Dân chủ ở Trung Hoa lục địa, Đài Loan và Hồng Kông, NXB Dân khí 2020