- Version
- Download 377
- File Size 9.36 MB
- File Count 1
- Create Date 28/02/2024
- Last Updated 28/02/2024
Quyền lực và Tiến bộ
Hơn một năm nay báo chí và mạng xã hội Việt Nam tràn ngập tin về AI (trí tuệ nhân tạo) nhất là về CHAT GPT. Trong bối cảnh ấy một cuốn sách rất thời sự và quan trọng là cuốn thứ 66 của tủ sách SOS2,* QUYỀN LỰC và TIẾN BỘ (POWER and PROGRESS) của Daron Accemoglu và Simon Johnson được nhà xuất bản PublicAffair xuất bản tháng Năm 2023. Cuốn sách có tiêu đề phụ khá dài Cuộc Chiến đấu Ngàn-Năm của Chúng ta về Công nghệ và sự Thịnh vượng (Our Thousand-Year Struggle over Technology and Prosperity).
Sự phát triển công nghệ là một trong vài động lực chính của sự tiến bộ (sự cải thiện điều kiện sống của quảng đại quần chúng, của những người lao động hay sự thịnh vượng được chia sẻ).
Một câu chuyện rất phố biến là sự phát triển công nghệ mang lại sự tiến bộ một cách tự động. Các tác giả kể một câu chuyện có sắc thái hơn, sự phát triển công nghệ không tự động dẫn đến tiến bộ; để sự phát triển công nghệ dẫn đến tiến bộ cũng cần những điều kiện xã hội và thể chế phù hợp. Họ kể câu chuyện rất lý thú về lịch sử phát triển công nghệ từ thời Trung cổ cho đến ngày nay, kể cả AI.
Tính dễ uốn của công nghệ là một khái niệm các tác giả nhấn mạnh với ý rằng chiều của sự phát triển công nghệ có thể uốn theo những hướng khác nhau. Công nghệ có thể được hướng theo chiều trao quyền cho con người, tạo ra sự thịnh vượng cho những người lao động hay chỉ cho một số ít người và có thể làm hại số đông. Hướng phát triển công nghệ luôn là sự lựa chọn, không phải định mệnh. Những gì ảnh hưởng đến hướng của sự phát triển công nghệ? Đó là tầm nhìn, sức thuyết phục, sức mạnh kinh tế, chính trị và xã hội hay nói ngắn gọn là quyền lực (tiêu đề chính của cuốn sách nhấn mạnh khía cạnh quyền lực này của hướng phát triển công nghệ).
Cuộc đấu tranh quyền lực này đôi khi làm đổi hướng phát triển công nghệ theo hướng tạo ra sự thịnh vượng cho số đông và đôi khi không. Cuốn sách kể câu chuyện đấu tranh ngàn năm về công nghệ và sự thịnh vượng (đó là tiêu đề phụ của cuốn sách) một cách rất hấp dẫn và dễ hiểu.
Công nghệ càng đa năng (general-purpose tức là có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực) như động cơ (hơi nước rồi động cơ đốt trong), điện, máy tính (số) và Generative AI [AI Tạo sinh] (trong đó có các mô hình ngôn ngữ lớn mà ChatGPT của Open AI, Bard của Google là những ví dụ) thì hướng phát triển của công nghệ càng đa dạng và sự lựa chọn hướng công nghệ càng quan trọng đối với con người.
Sự phát triển công nghệ luôn đi cùng với tự động hóa, tức là dùng các công cụ công nghệ để thay thế công việc nào đó của con người. Các tác giả cho rằng để đạt sự thịnh vượng được chia sẻ thì nên tránh hướng công nghệ dẫn đến tự động hóa thái quá, chỉ nhằm để thay thế con người (nhất là sự tự động hóa tàm-tạm, tức là sự tự động hóa mang lại sự tăng năng suất không nhiều, ví dụ các kiosk tự thanh toán tại các siêu thị), ngược với hướng công nghệ dẫn đến tự động hóa tạo ra nhiều công việc mới cho người lao động, bổ sung hay tăng cường năng lực của họ (và tăng cao năng suất), nên được khuyến khích.
Các tác giả cho rằng thay cho khái niệm trí tuệ nhân tạo, AI, mà nhắm tới việc tạo ra máy có năng lực trí tuệ ngang bằng với con người thậm chí vượt xa con người, thì khái niệm sự hữu ích máy (MU-Machine Usefullness) có thể có ích hơn. Theo các tác giả, hướng áp đảo hiện nay của công nghệ số, nhất là AI, nhắm tới việc tự động hóa thái quá, và thường là tự động hóa tàm-tạm, tới việc giám sát con người; đó là một sự lựa chọn hướng công nghệ không mang lại sự thịnh vượng được chia sẻ, làm tăng bất bình đẳng, gây sự phân cực; và vì thế nên cố gắng để làm thay đổi hướng này theo hướng sự hữu ích máy.