- Version
- Download 198
- File Size 4.24 MB
- File Count 1
- Create Date 09/04/2024
- Last Updated 09/04/2024
TROLLING BẢN THÂN CHÚNG TA ĐẾN CHẾT - Dân chủ trong thời đại media xã hội
Bạn đọc cầm trên tay cuốn sách thứ 67 của tủ sách SOS2, cuốn TROLLING BẢN THÂN CHÚNG TA ĐẾN CHẾT - Dân chủ trong thời đại media xã hội của Jason Hannan (TROLLING OURSELVES TO DEATH – Democracy in the ages of social media, do nhà xuất bản Oxford University Press xuất bản 2024). Ngay từ đầu phải nói về từ troll được để nguyên và muốn nó trở thành một từ Việt mới, nó có thể là một động từ (với nghĩa bạn sẽ rõ trong phần dẫn nhập và những trang chính của cuốn sách mà đại thể là cố ý chọc tức, chơi khăm, gây khó chịu, làm nhục ai đó trên media xã hội), nó có thể là danh từ chỉ người làm việc troll đó (trolling). Tiêu đề của cuốn sách nhại tiêu đề của cuốn Amusing Ourselves to Death (Chúng ta Tự-mua Vui đến Chết) của Neil Postman (1985) bàn về ảnh hưởng của truyền hình đến diễn ngôn công cộng.
Ảnh hưởng sâu rộng của Internet nói chung và của media xã hội nói riêng đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa được quá nhiều sách nói đến và bên cạnh những ảnh hưởng rất tốt của công nghệ cũng có những ảnh hưởng rất xấu mà vài cuốn trong tủ sách SOS2 cũng đề cập (thí dụ cuốn thứ 37, cuốn 60 hay cuốn 66 về công nghệ nói chung). Vấn đề cốt lõi vẫn là con người chúng ta sử dụng công nghệ như thế nào, cho mục đích gì.
Cuốn sách này bàn sâu về tác động của các troll và sự trolling trong media xã hội lên không gian công cộng, lên diễn ngôn công cộng và như thế lên chính trị và dân chủ, cũng như nguồn gốc sâu xa của nó, chứ không chỉ vấn đề công nghệ. Mỗi hiện tượng văn hóa như trolling có rất nhiều nguyên nhân và việc tìm ra (vài) nguyên nhân chính là hết sức quan trọng để tìm ra cách đúng để chống lại các tác động xấu của nó. Cuốn sách này không chỉ là một phê bình văn hóa trolling mà rất rất nhiều người Việt Nam chúng ta cũng cảm thấy hàng ngày, hàng giờ trên media xã hội nếu để ý.
Bạn đọc sẽ bắt gặp những khái niệm triết học tưởng chừng rất khô khan và khó hiểu như những khái niệm về công lý, đạo đức, cái tốt, cái xấu, bình đẳng, …, cho đến những vấn đề về sự khác biệt giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn,…được tác giả diễn giải khá dễ hiểu và lý thú.
Theo tác giả trong việc xây dựng một tinh thần tin cậy nhằm để đối phó với văn hóa trolling, để xây dựng hay bảo vệ dân chủ (ở những nước dân chủ), các trường công có vai trò cốt yếu. Những người quan tâm đến giáo dục, đến tình hình của các nhà giáo, học sinh, sinh viên sẽ rất lý thú với những ý tưởng không mới nhưng được tác giả diễn giải một cách rất mạch lạc về mục tiêu của giáo dục là gì, và trường học nên được tổ chức ra sao.
Việc xây dựng một tinh thần tin cậy đòi hỏi cải cách giáo dục triệt để cũng như cải cách hệ thống kinh tế sâu rộng mà là những vấn đề rất quan trọng và thường gây tranh cãi. Những gợi ý của cuốn sách chắc chắn cũng thế và chỉ qua đối thoại, tranh luận và xây dựng tinh thần tin cậy chúng ta mới có thể hy vọng tìm ra, thử, đánh giá và thử lại những cải cách đó và tiến hành những cải cách mới.
Đây là một cuốn sách rất thời sự, giúp chúng ta hiểu tình hình chính trị, xã hội hiện tại trên thế giới và cũng đưa ra những ý tưởng nhằm cải thiện tình hình, xây dựng và bảo vệ dân chủ. Tôi chân thành giới thiệu cuốn sách ngắn, dễ đọc này cho những người quan tâm đến văn hóa, giáo dục, chính trị, cho các nhà văn, các nghệ sĩ, các nhà giáo, các nhà báo và nhất là sinh viên, học sinh cũng như tất cả những ai quan tâm đến đời sống xã hội, kể cả những người nghiện media xã hội mà không biết hay biết nhưng không cai được.
Bản tiếng Việt chắc chắn còn nhiều thiếu sót mong quý bạn đọc lượng thứ và góp ý để cải thiện bản dịch. Tôi hy vọng cuốn sách này, cũng như những cuốn khác trong tủ sách SOS2, khơi mào những cuộc tranh luận, đối thoại có tính xây dựng giữa các bạn đọc.