Tạp chí Dân Trí: Đây là bài phát biểu của Tổng thống Tony Blair về vấn đề vai trò của giáo dục trong việc bảo vệ An ninh Quốc gia. Chúng tôi xin được đăng lại để tham khảo và suy nghĩ về sứ mệnh kiến tạo hòa bình của giáo dục.
Tháng 11 năm ngoái, sau 13 năm, lần đầu tiên tôi lại có buổi nói chuyện ở Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Ấn tượng nhất là tâm trạng đã khác xa ngày xưa. Tháng 12 năm 2000, thế giới dường như khác hẳn. Lúc đó chúng tôi đang cố gắng thiết lập trật tự an ninh mới cho thập kỉ sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Dĩ nhiên là lúc đó cũng có những thách thức. Nhưng bầu không khí nhẹ nhàng, thậm chí là tích cực, khi chúng tôi thảo luận về việc xóa đói nghèo trong thế giới đang phát triển.
Lần này, tâm trạng nặng nề. Và những ngày đầu tiên của năm 2014 làm cho nó còn nặng nề hơn. Lướt trên màn hình tổng quan tin tức của bất cứ ngày nào bạn cũng sẽ tìm thấy những câu chuyện về khủng bố và bạo lực xảy ra từ quan niệm sai lầm về tôn giáo. Một số là do những tác nhân bên ngoài nhà nước; nhưng tất cả đều được thực hiện trong bối cảnh của sự chia rẽ và xung đột do sự khác biệt của niềm tin tôn giáo mà ra.
Đây là cuộc chiến đấu mới trong thế kỉ XXI. Chúng ta sẽ không thể thắng được nó, trừ phi chúng ta chiến đấu với nguyên nhân gốc rễ của nó cũng như khắc phục những hậu quả khủng khiếp của nó.
Hôm nay, trong vòng cung kéo dài từ Viễn Đông, qua Trung Đông, tới các đường phố ở châu Âu và nước Mĩ, chúng ta đều gặp những tai họa giết chết những con người vô tội, chia rẽ cộng đòng và làm mất ổn định đất nước. Có nguy cơ là nó liên tục tiến hóa, phát triển và biến đổi nhằm đối đầu với cuộc chiến đấu của chúng ta.
Những kẻ cực đoan đang phát tán nạn bạo hành có mạng lưới có thể tiếp cận với thanh niên và chúng biết sức mạnh của giáp dục, dù là giáo dục chính thức hay phi chính thức. Những kẻ cực đoan đang nhồi nhét vào đầu óc thanh niên rằng bất cứ ai không đồng ý với chúng đều là kẻ thù – không phải kẻ thù của chúng mà là kẻ thù của Chúa.
Cuộc tranh luận về an ninh lại thường tập trung vào hậu quả. Sau vụ tấn công, các quốc gia liền xem xét các biện pháp an ninh. Bọn khủng bố bị săn đuổi. Sau đó chúng ta trở về với cuộc sống thường nhật, cho đến khi một vụ khủng bố khác xảy ra.
Nhưng thay đổi kéo dài lại phụ thuộc vào việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố. Đương nhiên là chính trị có vai trò của mình. Và những kẻ cực đoan rất giỏi nắm lấy những bất bình về mặt chính trị. Nhưng mảnh đất mà họ trồng những hạt giống của hận thù lại được tưới bón bằng sự thiếu hiểu biết.
Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải bắt đầu nghĩ rằng giáo dục là vấn đề an ninh.
Những kẻ cực đoan nói rằng chúng giết người là nhân danh Chúa. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn niềm tin tôn giáo đích thực. Và là mối đe dọa cho cả những thiệt hại mà nó trực tiếp gây ra cũng như sự chia rẽ và chủ nghĩa bè phái mà nó gián tiếp nuôi dưỡng. Mỗi vụ giết người đều là một bi kịch của nhân loại. Nhưng nó còn gây ra phản ứng dây chuyền của sự đau khổ và hận thù. Những cộng đồng bị chủ nghĩa cực đoan quấy nhiễu bao giờ cũng có sự sợ hãi, sợ hãi làm tê liệt cuộc sống bình thường và làm cho người ta xa cách nhau.
Toàn cầu hóa làm gia tăng và nhân rộng chủ nghĩa cực đoan. Không bị giới hạn bởi đường biên giới quốc gia, nó có thể nổi lên bất cứ chỗ nào. Hiện nay chúng ta có nhiều mối liên kết hơn bất kỳ điểm nào khác trong lịch sử nhân loại, và ngày càng nhiều người tiếp xúc với những người khác với mình. Vì vậy, nhu cầu tôn trọng một người hàng xóm không giống như bạn cũng ngày càng gia tăng, nhưng cơ hội để coi người đó là kẻ thù cũng lớn hơn
Và đây không chỉ là chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Có hành những động cực đoan nhằm chống lại người Hồi giáo vì tôn giáo của họ, và ngày nay có các tín đồ Công giáo, Do Thái giáo, Ấn giáo, và Phật giáo cuồng tín, xuyên tạc bản chất thật sự của đức tin của họ.
Đó là lý do vì sao giáo dục trong thế kỷ XXI là vấn đề an ninh đối với tất cả chúng ta. Thách thức là giới trẻ, những người dễ bị ngả theo lời kêu gọi của những kẻ khủng bố rằng có cách tốt hơn làm cho tiếng nói của họ được người ta nghe, có cách hiệu quả hơn nhằm tương tác với thế giới.
Tin vui là chúng ta biết cách làm việc này. Tôi xin sử dụng Quĩ Đức tin (Faith Foundation) của tôi làm ví dụ. Chương trình của các trường học của chúng tôi thúc đẩy đối thoại xuyên văn hóa trên toàn thế giới, giữa các học sinh tuổi từ 12 đến 17. Tiếp cận với học sinh tại hơn 20 quốc gia, chương trình của chúng tôi kết nối những học sinh với nhau thông qua một trang Web an toàn, họ tương tác với nhau từ các lớp học dưới sự hướng dẫn của giáo viên đã được huấn luyện.
Thông qua hội thảo trực tuyến, học sinh thảo luận các vấn đề toàn cầu, từ những tôn giáo và quan điểm tín ngưỡng khác nhau. Họ nhận được những kỹ năng đối thoại cần thiết nhằm ngăn ngừa xung đột bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu mang tính tôn giáo và văn hóa. Đối với các trường ở các khu vực nghèo nhất, chúng tôi phải có những sắp xếp đặc biệt, bởi vì họ không thể truy cập được mạng Internet.
Chắc chắn là, chúng tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả. Nhưng bây giờ chúng tôi có kinh nghiệm trong hơn một nghìn trường học, trên 50.000 học sinh đã được dạy, và chúng tôi đang làm việc ở các nước khác nhau như Pakistan, Ấn Độ, Mỹ, Jordan, Ai Cập, Canada, Ý, Philippines, và Indonesia. Tôi đã được may mắn chứng kiến những học sinh này thoải mái khi tiếp xúc với các nền văn hóa, tôn giáo, và niềm tin đang truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu con người trên thế giới.
Có nhiều ví dụ tuyệt vời khác về công việc này. Nhưng họ thiếu các nguồn lực, mức độ ảnh hưởng và sự công nhận mà họ cần.
Chúng ta cần phải huy động để đánh bại chủ nghĩa cực đoan. Và chúng ta cần phải hành động trên toàn cầu. Tất cả các chính phủ phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình nhằm giáo dục thanh niên chấp nhận và tôn trọng những người thuộc các tôn giáo và những nền văn hóa khác nhau.
Không có vấn đề nào cấp bách hơn. Có một nguy cơ thực sự là các xung đột tôn giáo sẽ thế chỗ cho các cuộc đấu tranh ý thức hệ của thế kỷ trước dưới một hình thức tàn phá cũng chẳng khác gì trước kia.
Tất cả chúng ta phải chỉ cho mọi người thấy rằng chúng ta có ý tưởng tốt đẹp hơn bọn cực đoan – đấy là học hỏi lẫn nhau và sống cùng nhau. Và điều này cần phải trở thành thành phần cốt lõi của công tác giáo dục thế hệ trẻ.
Tony Blair, Project-Syndicate
Phạm Nguyên Trường dịch
______
Tony Blair là thủ tướng Anh từ năm 1997 đến năm 2007, là đại diện đặc biệt của Bộ tứ ở Trung Đông (Middle East Quartet). Sau khi rời chức vụ thủ tướng ông đã thành lập quĩ Tony Blair Faith Foundation và Quĩ the Faith and Globalization Initiative.