- Version
- Download 123
- File Size 4.63 MB
- File Count 1
- Create Date 28/04/2022
- Last Updated 28/04/2022
BẤT BÌNH ĐẲNG TOÀN CẦU - Một Cách tiếp cận Mới cho-Thời đại Toàn cầu hóa
Lời giới thiệu
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 58 của tủ sách SOS2,* cuốn BẤT BÌNH ĐẲNG TOÀN CẦU – Một Cách tiếp cận Mới cho Thời đại Toàn cầu hóa (GLOBAL INEQUALITY – A New Approach for the Ange of Globalization) của Branko Milanovic do Havard University Press xuất bản năm 2016.
Giáo sư Branko Milanovic là nhà kinh tế học Mỹ gốc Serbia, từng là một nhà kinh tế học chính của Ngân hàng Thế giới, là chuyên gia nổi tiếng thế giới về bất bình đẳng nói chung và đặc biệt về bất bình đẳng toàn cầu.
Có nhiều loại bất bình đẳng (cơ hội, chính trị, kinh tế, sức khỏe, giáo dục,…, và chúng đều có liên hệ với nhau) trong cuốn sách về kinh tế này tất nhiên tác giả bàn về bất bình đẳng thu nhập (income) và/hoặc bất bình đẳng của cải (wealth). Để đo bất bình đẳng về x (chẳng hạn, x = thu nhập) cách tốt nhất là dùng phân bố f(x), nơi f(x) là tỷ lệ dân số có thu nhập là x.
Tuy nhiên làm việc với hàm phân bố là phức tạp. Từ hàm phân bố f(x) ta có thể tính ra một số đo gọi là hệ số Gini (G) thường được dùng để đo bất bình đẳng. G bằng 0 khi tất cả mọi người có thu nhập bằng nhau (bằng thu nhập trung bình, hay phân bố là đều, xã hội hoàn toàn quân bình) và Gini cực đại là G=1-1/N (khi một người chiếm toàn bộ thu nhập và N-1 người còn lại không có thu nhập nào), với N lớn (thí dụ 100 triệu dân, hay 7,3 tỷ dân cho toàn cầu) thì G cực đại có thể coi là bằng 1 (và trong trường hợp này N-1 người còn lại sẽ chết đói, một cực đoan không thể xảy ra trong thế giới thực). Hai trường hợp lý thuyết cực đoan (G=0 hay G=1) không thể tồn tại trong thực tế.
Trong thế giới thực G thu nhập khoảng 0,26-0,29 tại Bắc Âu được cho là có bất bình đẳng thấp và khoảng 0,64-0,66 ở vài nước Phi Châu và Nam Mỹ với bất bình đẳng cao (theo Ngân hàng Thế giới G=0,357 ở Việt Nam trong năm 2018). Hệ số Gini thấp nhất (0,11) được ghi lại là giữa thu nhập đô thị Trung Quốc cuối những năm 1970, hay ở Tiệp Khắc (G=0,17) trong những năm 1980.
Ngoài hệ số Gini còn có vô vàn cách khác để đo bất bình đẳng, thí dụ, 10% (hay 1%) trên đỉnh (tức là 10% hay 1% những người có thu nhập cao nhất trong một cộng đồng hay một nước) chiếm bao nhiêu phần của tổng thu nhập (hay tổng của cải hay của tổng giá trị gia tăng,…). Trong những năm 1970 phần trong tổng thu nhập của 10% trên đỉnh ở Nga cỡ 22%, nhưng trong 2000-2010 phần này nhảy lên gần 50%, tức là bất bình đẳng từ rất thấp thời Liên Xô và lên cực kỳ cao trong thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ 21.
Đóng góp to lớn của Branko Milanovic cho nghiên cứu về bất bình đẳng có thể tóm tắt ở hai điểm chính.
Thứ nhất, ông mở rộng việc nghiên cứu bất bình đẳng ra quy mô toàn cầu. Trước đây hầu hết nghiên cứu về bất bình đẳng hạn chế trong phạm vi một nước nào đó. Khi làm việc cho Ngân hàng Thế giới ông bắt đầu mở rộng phạm vị nghiên cứu bất bình đẳng ra toàn cầu (nói nôm na xem xét sự bất bình đẳng thu nhập và/hoặc của cải của toàn bộ dân cư trên trái đất (gồm khoảng 7,3 tỷ người). Đường cong bất bình đẳng toàn cầu hình con voi (hay hình dấu ngã) cho giai đoạn 1988-2008 do ông đưa ra đã trở nên nổi tiếng thế giới.
Thứ hai, ông đã mở rộng khái niệm đường cong bất bình đẳng Kuznets thành các làn sóng Kuznets. Kuznets cho rằng bất bình đẳng ở một nước tăng lên với sự phát triển kinh tế, lên đỉnh điểm và sau đó giảm xuống tạo thành đường cong bất bình đẳng có hình chữ U lộn ngược. Sự thay đổi bất bình đẳng ở các nước tiên tiến đã phù hợp với giả thuyết Kuznets từ thế kỷ thứ mười chín (bất bình đẳng tăng lên) và đạt đỉnh vào khoảng những năm 1920-1930 và giảm xuống cho đến khoảng 1980, nhưng lại bắt đầu tăng từ khoảng năm 1980. Giả thuyết Kuznets không thể giải thích được phần tăng thứ hai này của bất bình đẳng. Blanko Milanovic đưa ra giả thuyết về các đợt (làn) sóng Kuznets (mỗi làn sóng gắn với một cuộc cách mạng công nghệ). Làn sóng thứ nhất gắn với cách mạng công nghiệp hay cách mạng công nghệ lần thứ nhất (như giả thuyết Kuznets gốc) và làn sóng thứ hai gắn với cách mạng công nghệ lần thứ hai (cách mạng ICT-truyền thông và thông tin, AI). Với giả thuyết mở rộng này ông có thể giải thích diễn biến của bất bình đẳng trước cách mạng công nghiệp cũng như sự lên của bất bình đẳng từ khoảng những năm 1980 và có thể tiên đoán diễn biến bất bình đẳng trong tương lai (bản thân ông cảnh báo phải rất thận trọng với các tiên đoán vì các tiên đoán phần lớn là sai).
Tìm hiểu về bất bình đẳng và diễn tiến của nó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về diễn biến kinh tế-xã hội và chính trị trên thế giới và của từng nước hay nhóm nước trong quá khứ và hiện tại và suy ngẫm về tương lai.
Chạy theo ảo tưởng bình quân chủ nghĩa đã dẫn đến những chính sách kinh tế xã hội khiến hệ thống cộng sản sụp đổ. Ngày nay hầu như tất cả các nước đều theo hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa. Và với hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa (được đặc trưng chủ yếu bởi lao động tự do về mặt pháp lý, vốn sở hữu tư nhân, sự phối hợp phân tán, và sự theo đuổi lợi nhuận) thì bất bình đẳng là không thể (và cũng chẳng cần) loại trừ. Bất bình đẳng cao và sự bất ổn xã hội có quan hệ mật thiết và theo tác giả bất bình đẳng quá cao dẫn đến chiến tranh và xung đột; nó có thể là một trong những nguyên nhân chính của sự suy thoái dân chủ, sự lên của chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa tài phiệt ở nhiều nước phát triển ngày nay.
Chính phủ luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho bất bình đẳng ở mức có thể chấp nhận được (vì nếu nó quá thấp [hay phấn đấu đến bình quân] thì sẽ rất tai hại cho nhiều khuyến khích phát triển, nhưng nếu bất bình đẳng quá cao thì dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh!)
Chính vì thế việc hiểu và nghiên cứu về bất bình đẳng là hết sức quan trọng. Cuốn sách này là cuốn thứ ba về đề tài này trong tủ sách SOS2 (hai cuốn trước là cuốn số 42 của Gabriel Zucman và cuốn số 43 của Emmanuel Saez và Gabriel Zucman).
Cuốn sách mỏng này (cũng như các cuốn số 42 và 43) sẽ rất hữu ích cho tất cả những ai muốn tìm con đường phát triển lành mạnh cho đất nước và thế giới, nhất là các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế học, các nhà báo, các sinh viên, các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, và những người quan tâm khác.
Tôi chân thành giới thiệu với quý vị cuốn sách rất đáng đọc này của Blanko Milanovic cũng như 2 cuốn liên quan.
27-4-2022
Nguyễn Quang A
* Những cuốn trước:
- Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.
- Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.
……….
- Gabriel Zucman, Của cải Giấu giếm của các Quốc gia, NXB Dân Khí, 2019
- Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, Chiến thắng của sự Bất công:
………
- Tom Hartman, Lịch sử bị Che giấu của Chính thể Đầu sỏ Mỹ: Đòi lại nền Dân chủ của Chúng ta từ Giai cấp Thống trị. NXB Dân Khí, 2021
- Adam Jetlesson, Công tắc Ngắt: sự Lên của Thượng Viện Hiện đại và sự làm Què nền Dân chủ Mỹ, NXB Dân Khí, 2021
- Kornai János, Suy ngẫm, 2021
- Slavoj Žižek, Đại Dịch! – Covid-19 làm lung lay thế giới, NXB Dân Khí, 2021
- Slavoj Žižek, Đại Dịch! 2 – Biên niên sử của một thời đã mất, NXB Dân Khí, 2021
- Amartya Sen, Quê Nhà trong Thế giới, NXB Dân Khí, 2021
- Desmond Shum, Roulete Đỏ, NXB Dân Khí, 2021
- Katherine M. Gehl và Michael E. Porter, Ngành Chính trị, NXB Dân Khí, 2021
- Ronald Inglehart và Christian Welzel, Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa và Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022
- Ronald Inglehart, Sự Tiên hóa Văn hóa, NXB Dân Khí, 2022