- Version
- Download 207
- File Size 4.58 MB
- File Count 1
- Create Date 10/09/2023
- Last Updated 10/09/2023
CHÍNH PHỦ TÌNH CỜ
Nền dân chủ đại diện khai phóng (representative liberal democracy) bị khủng hoảng trầm trọng. Lối ra là gì đối với những người sống trong các nền dân chủ như vậy, còn đối với những người sống trong chế độ độc tài thì vấn đề là nên chọn mô hình dân chủ nào? Cuốn sách này có thể giúp họ hình dung ra con đường cải thiện hay con đường phấn đấu với thêm một công cụ rất cổ xưa nhưng với nhiều người vẫn tỏ ra rất kỳ quặc: sự rút thăm trong chính trị.
Cuốn sách này cho chúng ta cái nhìn lịch sử về sự rút thăm và dân chủ từ Athens cho đến tận ngày nay (2022). Nó tạo một khung khổ mạch lạc để tìm cách trả lời một cách nhất quán cho những câu hỏi cơ bản sau đây. Vì sao sự rút thăm trong chính trị đã nở rộ và gắn mật thiết với dân chủ ở Athens hơn 2.500 năm trước, rồi sau đó được dùng gắn với các chế độ quý tộc phân phối và biến mất hoàn toàn khỏi chính trường sau các cuộc Cách mạng Mỹ và Pháp trong khi vẫn được dùng trong ngành tư pháp để chọn các bồi thẩm đoàn và nên giải thích thế nào sự quay lại chính trị của sự rút thăm trong thời gian gần đây.
Những câu hỏi đầu tiên liên quan đến các thực hành quá khứ của sự rút thăm trong chính trị. Chúng đã quan trọng thế nào? Có thể rút ra loại đường nét lịch sử rộng nào từ chúng? Các mục tiêu nào đã thúc đẩy và biện minh sự thực hành rút thăm?
Những câu hỏi thứ hai tập trung vào sự biến mất của sự rút thăm trong hai thế kỷ đầu tiên của chính phủ đại diện ở phương Tây. Vì sao sự rút thăm biến mất hoàn toàn khỏi chính trị Tây Âu và Bắc Mỹ? Vì sao nó đã đồng thời phát triển trong lĩnh vực tư pháp với sự lên của bồi thẩm đoàn xét xử? Làm sao người ta có thể giải thích sự khác biệt nổi bật giữa phương Tây và Trung Quốc, nơi (như ở Rome cổ xưa) sự rút thăm được thực hành rộng rãi để phân bổ các quan chức cấp cao đã thi đỗ đến các nơi nhiệm sở của họ cho đến đầu thế kỷ thứ hai mươi?
Những câu hỏi thứ ba liên quan đến sự quay lại chính trị của sự rút thăm vào cuối thế kỷ thứ hai mươi. Chúng ta có thể hiểu hiện tượng này thế nào? Sự giải thích chính trị và xã hội học là gì cho các thử nghiệm đương thời? Vài xu hướng có thể được phân biệt?
Cuối cùng, là những câu hỏi chuẩn tắc. Trong mấy chục năm qua ngày càng nhiều nhà thực hành và nhà lý luận cho rằng sự rút thăm là một con đường hứa hẹn để dân chủ hóa hệ thống chính trị trong khi nâng cao tính chính đáng của nó. Nhưng loại dân chủ nào được nói đến: Dân chủ thảo luận cân nhắc? Dân chủ triệt để? Một sự kết hợp của hai loại, hay đâu đó ở giữa? Một nền dân chủ “chống-chính trị” vượt quá chính trị tranh đấu? Giá trị đặc thù của sự rút thăm là gì?
Để trả lời các câu hỏi này, tác giả nêu rõ bốn loại khẳng định. Loại thứ nhất liên quan đến việc nên diễn giải sự dùng rút thăm trong chính trị thế nào. Sau khi phê phán một số quan điểm (sự rút thăm là dân chủ, bầu cử là đầu sỏ, vân vân), tác giả cho là sự rút thăm đã có vài động cơ chính trị khác nhau, xuất phát từ các lý do căn bản trái ngược nhau: sự chọn bằng bốc thăm, đôi khi, được trao một sự diễn giải tôn giáo hay siêu nhiên; nó cũng có thể được xem như một phương tiện để cổ vũ tính vô tư (đấy có lẽ là sự biện minh xuyên lịch sử nhất cho sự rút thăm); và cuối cùng, sự rút thăm có thể là một công cụ thúc đẩy sự bình đẳng, ngụ ý một động lực dân chủ khi giới của những người có tiềm năng được rút thăm là rộng.
Loại khẳng định thứ hai của tác giả gắn với câu hỏi gây bối rối: Vì sao sự rút thăm biến mất khỏi chính trường sau các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp? Sau khi bác bỏ các nguyên nhân khá phổ biến như các nhà lập quốc Hoa Kỳ muốn một chế độ quý tộc chứ không phải một nền dân chủ nên chỉ chú ý đến bầu cử, các quốc gia hiện đại lớn hơn Athens rất nhiều về dân số và diện tích nên rút thăm không khả thi (trước bản thân tác giả cũng đề xuất điểm này nhưng nay các bằng chứng lịch sử khác cho thấy không phải vậy), vân vân. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy các nguyên nhân chính của sự biến mất của sự rút thăm khỏi chính trường là các ngueyen nhân chính trị và văn hóa. Khái niệm chủ quyền nhân dân (quyền tối cao nhân dân) và một sự hiểu mới về sự đại diện đã làm cho việc rút thăm lỗi thời. Sự rút thăm bị xem như một loại tàn dư của chế độ cũ. Sự chọn ngẫu nhiên bị xem như mù quáng, và ngược với lý trí. Hơn nữa, khái niệm về sự lấy mẫu đại diện đã chưa được phát triển, và các phản lý lẽ đã là khó để nêu lên. Còn vì sao sự rút thăm trong tư pháp để lập các bồi thẩm đoàn đã vẫn tồn tại và phát triển sau cách mạng Mỹ và Pháp? Đó là do các bồi thẩm đoàn đòi hỏi chỉ sự phán xét chủ quan và lẽ thường (common sense, lương tri) của những người bình thường. Trong các bồi thẩm đoàn được chọn ngẫu nhiên, các bồi thẩm viên được xem như có thể hoán đổi cho nhau – một tình thế không được phản ánh tương tự trong chính trị. Tác giả cho rằng đó là những lý do chính cho sự biến mất của sự rút thăm trong chính trị còn sự rút thăm trong tư pháp vẫn được duy trì và phát triển sau cách mạng Mỹ và Pháp.
Loại khẳng định thứ ba, liên quan đến ý nghĩa đằng sau sự quay lại chính trị gần đây của sự rút thăm, cũng một phần tập trung vào sự lấy mẫu đại diện. Sự rút thăm như được thực hành trong chính trị ngày nay gắn một cách không thể tách rời khỏi sự lấy mẫu đại diện, một khái niệm làm cho có thể để lập một “minipublic” hay một vi-thế giới của nhân dân. Sự thảo luận cân nhắc (deliberation) và sự liên kết mật thiết của nó với sự rút thăm cho sự thực hành rút thăm một lý do tồn tại mới. Sự thảo luận cân nhắc gắn với sự rút thăm, và đặc tính vô tư của sự rút thăm và sự bình đẳng mà nó thiết lập giữa những người có tiềm năng được rút thăm làm thay đổi logic tổng thể của sự rút thăm. Tác giả đã phân biệt hai làn sóng rút thăm gần đây. Làn sóng đổi mới dân chủ thứ nhất dựa vào các minipublic được chọn ngẫu nhiên theo một logic của nền dân chủ thảo luận cân nhắc hơn là một logic của chính phủ tự quản và nền dân chủ triệt để. Làn sóng thứ hai được phân biệt hơn và vài trong các xu hướng của nó là tương thích với một quan điểm tân-Athen. Các quá trình rút thăm được trao quyền, nổi lên trong làn sóng thứ hai, thâu tóm tốt tinh thần của những truyền thống dân chủ Athen hơn các minipublic tư vấn.
Loại khẳng định cuối cùng tác giả đưa ra có tính chuẩn tắc. Các quá trình rút thăm được trao quyền có vẻ hứa hẹn cho sự dân chủ hóa nền dân chủ. Tuy vậy, phải làm rõ theo quan niệm dân chủ nào (nền dân chủ thảo luận cân nhắc [deliberative], nền dân chủ chống-chính trị [antipolitical] hay nền dân chủ triệt để [radical]) chúng ta có thể đưa ra đánh giá khẳng định này. Các nhà dân chủ thảo luận cân nhắc bảo vệ sự phát triển của một hệ thống thảo luận cân nhắc trong đó các yếu tố khác nhau sẽ khớp với nhau để tạo ra một sự phân công lao động hài hòa, các minipublic được chọn ngẫu nhiên là một yếu tố quan trọng. Vấn đề với các nhà dân chủ thảo luận cân nhắc là họ có một quan điểm hơi ngây thơ về chính trị và xã hội. Trong một diễn giải khác, mà tác giả gọi là dân chủ chống-chính trị, khá phổ biến trong giới hoạt động và giới doanh nhân công nghệ cao nhưng ít phổ biến hơn trong giới học giả: nền dân chủ chống-chính trị chống lại nền dân chủ đại diện khai phóng hiện hành, chống lại các elite đương quyền (như thế các đảng chính trị) và coi nhân dân như một khối thống nhất. Một khi nhân dân loại bỏ các cuộc bầu cử và, với chúng, loại bỏ giới elite, sự rút thăm sẽ đóng một vai trò trung tâm trong hệ thống chính trị này. Quan điểm này chỉ dời chỗ sự bế tắc điền viên của một xã hội không có xung đột đến một tương lai xa; ngoài ra, nó không giải thích các mâu thuẫn giữa nhân dân mà không bao giờ biến mất tuy họ coi là không có mâu thuẫn. Tác giả bảo vệ quan điểm thứ ba về nền dân chủ triệt để, một hệ thống mà – ít nhất hiểu thấu tầm quan trọng của sự thảo luận cân nhắc – biện minh tốt hơn sự phát triển của sự rút thăm trong một hệ sinh thái chính trị nơi có sự căng thẳng giữa các yếu tố của hệ thống, có mâu thuẫn không thể tránh khỏi giữa nhân dân. Tầm nhìn mang tính hệ thống này khác với một tầm nhìn của nhà thảo luận cân nhắc: Nó hình dung về các yếu tố khác nhau của hệ thống chính trị như hoạt động trong sự căng thẳng hơn là trong sự cộng tác chức năng. Trong “hệ sinh thái” chính trị này, sự rút thăm có thể đóng một vai trò quan trọng, do các đức hạnh tiềm năng của tính vô tư và tính bình đẳng, và bởi vì nó nuôi dưỡng một hình thức đại diện mô tả (descriptive representation), tức là một sự đại diện phản ánh trung thành sự đa dạng của nhân dân. Gắn với sự thảo luận cân nhắc và khái niệm sự khôn ngoan (minh triết) của nhiều người (wisdom of the many), nó là một cách hứa hẹn – nhưng không độc nhất – để sáng chế lại nền dân chủ trong thế kỷ thứ hai mươi mốt.
Tác giả điểm lại lịch sử rút thăm chính trị không chỉ ở Athens mà cả ở Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và các nước Âu Mỹ khác từ thời Cổ cho đến nay và cũng nhắc đến tập quán này ở Ấn Độ và Trung Quốc (từ thời Nhà Minh, nhà Thanh đến mãi 1911) cũng như phân tích thấu đáo các thử nghiệm rút thăm trong vài chục năm gần đây.
Tôi chân thành giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, trước hết là các sinh viên, nhà báo, trí thức, nhà nghiên cứu, chính trị gia và các doanh nhân, cuốn sách rất đáng đọc này của Yves Sitomer cũng như hai cuốn trước về sự rút thăm trong chính trị một chủ đề mà quá nhiều trí thức vẫn coi là kỳ quái nhưng chúng ta nên cởi mở để học kinh nghiệm rất lâu đời của loài người.