- Version
- Download 155
- File Size 3.10 MB
- File Count 1
- Create Date 20/12/2022
- Last Updated 20/12/2022
CHỐNG BÀU CỬ -Biện hộ cho Dân chủ
David Van Reybrouck nhà hoạt động, nhà lịch sử văn hóa, nhà khảo cổ học và tác giả người Bỉ sinh năm 1971 và được đánh giá rất cao trong thế hệ ông. Với tư cách nhà hoạt động ông đã thành lập Summit Công dân G1000 dẫn đến các thử nghiệm về dân chủ tham gia khắp Bỉ và Hà Lan và từ kinh nghiệm của G1000 và từ kinh nghiệm ở nhiều nơi khác ông có đóng góp to lớn cho dân chủ tham gia qua rút thăm với cuốn sách này.
Hơn 2500 năm trước tại các thành bang Hy Lạp, như Athens, dân chủ đã chủ yếu dựa vào sự rút thăm và các cuộc bầu cử đã chỉ rất hãn hữu cho các chức vụ cần tài chuyên môn cao như các tướng quân đội.
Rồi việc rút thăm đã bị quên lãng nhưng lại nổi lên tại một số nền cộng hòa hay chế độ quý tộc ở Italy, Tây Ban Nha trong thời Phục Hưng và thậm chí đến cuối thế kỷ thứ 18 nhằm để giúp tránh xung đột giữa các gia đình quý tộc khi chọn nguyên thủ, để tránh xung đột giữa các phe phái hay để thúc đẩy sự ổn định và chống các độc quyền quyền lực.
Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp đã làm cho việc bầu cử trở nên áp đảo và việc rút thăm bị quên hoàn toàn từ đó đến nay. Các cuộc bầu cử thực sự được sáng chế ra không phải để xây dựng dân chủ mà để củng cố chế độ quý tộc. Rồi chế độ quý tộc được bàu đó mang tên “nền dân chủ đại diện bầu cử” và tất cả thế giới đã hiểu lầm và coi đó là dân chủ (mà công đầu cho việc này là của cuốn sách Nền dân chủ ở Mỹ vô cùng có giá trị của Alexis de Tocqueville xuất bản trong 1935 và 1840 và hiến pháp Bỉ 1831). Từ đó đến nay dân chủ và các cuộc bầu cử hầu như là không thể tách rời. Bầu cử là quan trọng đến mức ngay cả điểm 3 Điều 21 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (1948) đã ghi rõ: “Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.” Một lý do quan trọng của sự hiểu lầm này là dân chủ đại diện bầu cử đã thực sự có được tính chính đáng của nó cho đến các năm 1980.
Thế mà Chống Bầu cử, tiêu đề của cuốn sách này, nghe có vẻ khó hiểu trong sự biện hộ của tác giả cho dân chủ. Tác giả làm rõ nguồn gốc phi-dân chủ của các cuộc bầu cử để củng cố chế độ quý tộc được bàu mà chúng ta vẫn nhầm là dân chủ đại diện-bầu cử. Ba chương đầu của cuốn sách nhằm làm rõ vấn đề này. Cũng phải nói ngay rằng dân chủ đại diện-bầu cử (tức là chế độ quý tộc được bàu) đã là một tiến bộ lớn do sự dân chủ hóa bầu cử, có được tính chính đáng của nó cho đến tận những năm 1980, nhưng sự hiểu lầm về nó làm cho chúng ta khó tìm ra những phương thuốc khắc phục các căn bệnh của nó, nhất là các căn bệnh ngày càng trầm trọng từ các năm 1980 đến nay và để xây dựng dân chủ đích thực.
Nguyên nhân sâu xa của những căn bệnh hiện thời của dân chủ đại diện bầu cử là các định chế chính trị không theo kịp sự phát triển của công nghệ và nhất là của công nghệ truyền thông đại chúng. Từ thời cổ đại đến giữa thế kỷ thứ 15 công nghệ truyền thông đã chủ yếu dùng lời nói. Suốt từ khi Gutenberg sáng chế ra máy in dùng chữ rời cho đến đầu thế kỷ thứ 20, công nghệ truyền thông đại chúng (một chiều) bị chi phối bởi sách báo rồi từ đầu đầu thế kỷ thứ 20 cả bởi phát thanh và truyền hình. Các phương tiện truyền thông (media) từ những năm 1980 đã bị thương mại hóa và từ đầu thế kỷ thứ 21 media xã hội xuất hiện và cùng media thương mại đã là những biến đổi to lớn (tính một chiều đã bị tổn hại, sự tương tác tăng lên và quan trọng nhất là hầu như mọi người đều có thể trở thành nhà báo, nhà đài, nhà xuất bản). Khi các định chế chính trị không theo kịp hay không phù hợp với sự phát triển công nghệ truyền thông thì sẽ phát sinh những căn bệnh mới. Nói chính xác hơn khi các định chế chính trị bị công nghệ chi phối (thí dụ các cuộc bầu cử) thì sinh bệnh; điều này gợi ý rằng cấu trúc của các định chế chính trị càng ít bị công nghệ chi phối càng tốt.
Sau khi phân tích các triệu chứng (chương I), các chẩn đoán (chương II) và sự phát sinh bệnh (chương III), trong chương cuối tác giả trình bày các phương thuốc để chữa trị các căn bệnh của dân chủ đại diện bầu cử: từ dân chủ tham gia, dân chủ thảo luận cân nhắc (deliberative democracy) đến việc dần dần bỏ toàn bộ các cuộc bầu cử chính trị hiện hành và sử dụng rút thăm để xây dựng dân chủ đích thực (nhưng không hoàn toàn bỏ bầu cử như nền dân chủ Athens cũng đã không).
Vương Hỗ Ninh, nhà lý luận chính, và nhân vật số 4 trong thường trực Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay và phục vụ 3 đời Tổng bí thư của ĐCSTQ có lẽ đúng khi ông đánh giá cao và đồng thời phê phán mạnh dân chủ Mỹ trong cuốn sách “Mỹ Phản đối Mỹ” (viết 1989 xuất bản 1991) sau 6 tháng khảo sát nhiều nơi ở Mỹ trong năm 1988 (ngắn hơn 3 tháng so với cuộc tìm hiểu nước Mỹ của Alexis de Tocqueville trong năm 1831), nhưng thuyết “tân quyền uy (tân chuyên chế)” đề cao vai trò của ĐCSTQ của ông, đảng cho rằng nó xây dựng dân chủ đích thực ở Trung Quốc, thì lại ngược lại hoàn toàn với tinh thần dân chủ.
Dân chủ theo nghĩa gốc là nhân dân cai trị chính mình. Nếu chọn được một mẫu đại diện thực sự của nhân dân (tức là mẫu có các đặc tính thống kê chính giống với các đặc tính thống kê chính của toàn thể nhân dân) để tạo thành chính phủ, thì chính phủ ấy là chính phủ dân chủ. Cách chọn có thể là rút thăm hay bầu cử hay cách khác hay kết hợp và cách chọn chỉ là phương tiện không phải là mục đích. Và cách rút thăm ngày càng tỏ ra là cách thích hợp nhất. Khoa học thống kê gần đây đã phát triển các phương pháp để rút thăm lấy các nhóm có thể thực sự đại diện cho nhân dân.
Một cuốn sách mỏng, với tiêu đề có vẻ rất khiêu khích, quả thực rất đáng đọc cho tất cả những ai quan tâm đến dân chủ.