- Version
- Download 248
- File Size 4.09 MB
- File Count 1
- Create Date 20/11/2022
- Last Updated 20/11/2022
SỰ TRẢ THÙ CỦA QUYỀN LỰC
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 61 của tủ sách SOS2,* cuốn SỰ TRẢ THÙ CỦA QUYỀN LỰC: Những kẻ Chuyên quyền đang Sáng chế lại Thế nào Chính trị cho Thế kỷ thứ 21 (THE REVENGE OF POWER: How Autocrats Are Reinventing Politics for the 21st Century) của Moisés Naím, do NXB St. Martin's Press xuất bản tháng Hai, 2022.
Moisés Naím là nhà báo, nhà văn Venezuela; ông đã từng là bộ trưởng bộ công thương Venezuela, giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới, tổng biên tập của tạp chí Foreign Policy; trong các năm 2013-2015 ông được đánh giá là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới; hiện ông là Distinguished Fellow tại Carnegie Endowment for International Peace.
Cuốn sách 2013 nổi tiếng của ông The End of Power (Sự Chấm dứt của Quyền lực) cho rằng quyền lực truyền thống chấm dứt do sự bùng nổ nhân khẩu học, sự tăng tính di động địa lý, và sự thay đổi về các chuẩn mực văn hóa. Quyền lực, như mọi thứ khác, thay đổi từ từ và khi sự thay đổi đó vượt quá ngưỡng tới hạn nào đó nó có thể nhận diện được rõ hơn và theo tác giả quyền lực trở nên “dễ hơn để kiếm được, khó hơn để sử dụng, và dễ hơn để mất”.
Sự tiến hóa tiếp của quyền lực để trở thành quyền lực ác độc đối với các giá trị dân chủ và tự do, có hại cho sự phát triển dân chủ được tác giả phân tích kỹ trong cuốn sách này.
Nếu chúng ta xem xét sự tiến hóa của quyền lực chính trị dưới con mắt của các giá trị dân chủ và tự do cũng như các đặc tính cần cho nền dân chủ hoạt động hiệu quả (như sự tranh luận, tính kiên nhẫn, sự thỏa hiệp, sự khoan dung, và một sự sẵn sàng chấp nhận tính chính đáng của sự cố gắng vì quyền lực của một đối thủ) và các chuẩn mực bất thành văn của dân chủ, thì sự tiến hóa quyền lực chính trị gắn chặt với quá trình được gọi là dân chủ hóa nếu sự tiến hóa đó tăng cường các giá trị dân chủ và tự do cũng như các đặc tính nêu trên, thiết lập và củng cố các định chế dân chủ và tự do cũng như các chuẩn mực dân chủ bất thành văn; còn nếu sự tiến hóa đó rời xa hay phá hủy các giá trị dân chủ và tự do và các đặc tính đó, phá hủy các định chế dân chủ và tự do cũng như các chuẩn mực dân chủ bất thành văn, thì sự tiến hóa đó chính là sự suy đồi dân chủ (và hướng tới chế độ độc đoán). Nói cách khác dân chủ hóa có thể tiến triển hay bị đảo ngược. Như thế có thể nói cuốn sách này phân tích sự đảo ngược của dân chủ hóa. Những người yêu quý dân chủ và tự do (và các đối thủ của họ) phải quan tâm đến cả dân chủ hóa và sự đảo ngược của quá trình; chúng là hai mặt của sự tiến hóa của quyền lực chính trị và việc hiểu kỹ sự tiến hóa của quyền lực chính trị (quá trình thiết lập, xây dựng các giá trị và các định chế dân chủ tự do); và quá trình phá hoại chúng để có các biện pháp hữu hiệu chống lại quá trình đảo ngược luôn đi cùng. Đó là cuộc đấu tranh liên tục phải được tiến hành không ngơi nghỉ ở bất kể đâu: trong các chế độ độc tài để thiết lập và xây dựng dân chủ (hay về phần các nhà độc tài để chống lại việc này và củng cố chế độ độc tài); trong các nền dân chủ đã được thiết lập để củng cố dân chủ tránh sự suy thoái dân chủ hay quá trình quay lại chế độ độc tài (hay về phần những kẻ chuyên quyền, để lén lút phá hoại các giá trị và các định chế dân chủ và tự do để quay về chế độ độc đoán).
Cách hoạt động, các chiến lược, chiến thuật, và động học của các chế độ độc tài kiểu cũ đã được các nhà khoa học chính trị phân tích khá kỹ. Đó không phải là đề tài chính của cuốn sách này, tuy đôi khi tác giả có nhắc đến chúng chủ yếu vì mục đích so sánh để làm rõ chúng khác và giống thế nào với các cơ chế, chiến lược mới, khó nhận biết hơn của các chế độ sắp là độc tài vẫn mang vẻ bề ngoài của dân chủ, nhưng những kẻ chuyên quyền lén lút (hay đôi khi rõ rệt, không úp mở) phá hủy nó từ bên trong và nếu không bị chống lại, rất có thể biến thành các chế độ độc tài. Động học của quá trình sau, đảo ngược dân chủ là chủ đề chính của cuốn sách này.
Tác giả đưa ra một khung khổ mới, gọi là khung khổ 3P, để phân tích sự tiến hóa của quyền lực chính trị hiện thời. 3P là 3 chữ đầu của Populism (chủ nghĩa Dân túy), Polarization (sự Phân cực) và Post-truth (Hậu-sự thật).
Chúng ta nghe nói nhiều về chủ nghĩa dân túy, nhưng ít người hiểu đúng về nó. Tác giả giúp chúng ta hiểu rõ, đúng: nó chẳng phải là chủ nghĩa gì cả (và đáng tiếc việc gọi nó là chủ nghĩa đã khiến rất nhiều người hiểu lầm). Nó đơn giản là một chiến lược cho việc giành và sử dụng quyền lực. Hiểu thế chủ nghĩa dân túy không mang tính xấu hay tốt, nó được hầu như bất cứ ai muốn giành được và sử dụng quyền lực chính trị dùng, và nó được dùng từ thời cổ. Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa dân túy bị biến dạng, như được tác giả phân tích kỹ, tạo điều kiện màu mỡ cho sự phân cực, thì chủ nghĩa dân túy rất có hại.
Sự phân cực cũng không gì xa lạ với chúng ta. Chính sách phân hóa kẻ thù cũng được các chính trị gia dùng từ thời thượng cổ. Tuy nhiên, nếu sự phân cực được dùng để chia rẽ xã hội, đến mức con tố bố vợ tố chồng như chúng ta đã từng chứng kiến một thời (và đáng tiếc vẫn còn), thì sự phân cực là cô cùng độc hại, nhưng đáng tiếc chiến lược phân cực lại tỏ ra rất thành công đối với những kẻ chuyên chế.
Chữ P thứ ba, hậu-sự thật là một hiện tượng hoàn toàn mới. Thuật ngữ này mới được đưa vào từ 1992. Hậu-sự thật không phải chủ yếu là về việc khiến cho các lời nói dối được chấp nhận như các sự thật mà về việc làm vẩn đục nước đến mức là khó để trước nhất phân biệt sự khác biệt giữa sự thật và sự lừa dối. Khái niệm này thử thâu tóm cái là “sự biến mất của các tiêu chuẩn khách quan chung cho sự thật.” Hậu-sự thật được Collins English Dictionary định nghĩa như “sự biến mất của các tiêu chuẩn khách quan chung cho sự thật.”
Các công cụ của quyền lực—bạo lực, tiền, công nghệ, ý thức hệ, sự thuyết phục đạo đức, do thám, và tuyên truyền, vân vân—được những người nắm quyền sử dụng thường xuyên để giữ quyền lực. Những kẻ chuyên quyền kiểu cũ không ngại dùng bạo lực để giành và giữ quyền lực chính trị, tuy nhiên ở các nước có truyền thống dân chủ các chính trị gia chuyên quyền không thể dùng bạo lực để giành quyền lực nên họ lén lút phá hủy các giá trị, các định chế dân chủ từ bên trong và có thể xúi dục đám đông dùng bạo lực để giúp họ giữ quyền lực chính trị (mà vụ bạo loạn chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng 2021 là một minh chứng). Sự lén lút cũng là một đặc trưng nữa của sự tiến hóa quyền lực trong các nền dân chủ đã được củng cố.
Muốn ngăn cản có hiệu quả quá trình sa đọa dân chủ, quá trình trượt lùi về chế độ độc tài, chúng ta phải hiểu các cơ chế, các chiến lược, chiến thuật và các công cụ mà những kẻ chuyên quyền lén lút hay công khai dùng để phá hoại các giá trị dân chủ tự do, các định chế dân chủ tự do cũng như các chuẩn mực dân chủ bất thành văn từ bên trong: đó là các chủ đề chính của cuốn sách này. Chỉ sau khi hiểu rõ các thứ này thì chúng ta mới có thể tìm cách hữu hiệu để cản trở chúng, để củng cố dân chủ.
Trong phần cuối tác giả phác họa một số cuộc chiến đấu mà những người dân chủ phải thắng những kẻ chuyên quyền nếu muốn dân chủ sống sót và phát triển.
Đọc cuốn này chúng ta hiểu kỹ hơn về diễn biến chính trị thế giới trong vài chục năm qua. Qua cuốn sách này chúng ta có thể hiểu kỹ hơn những khái niệm được nhắc tới nhiều nhưng nhiều người chưa rõ nghĩa thật của chúng là gì và nhiều khi bị lẫn lộn; với cách viết sáng tỏ bạn đọc hiểu kỹ hơn về chủ nghĩa dân túy là gì, sự tung thông tin giả (disinformation), thông tin sai lệch (misinformation), spinning, hậu-sự thật (post-truth), Big Lie, deepfake, vân vân là gì.
Bất kỳ ai quan tâm đến dân chủ (đấu tranh cho dân chủ hay chống dân chủ) đều nên đọc cuốn sách rất bổ ích này: từ các sinh viên, các nhà báo, các nhà hoạch định chính sách đến cả các dư luận viên.
Tôi chân thành giới thiệu với quý vị cuốn sách rất đáng đọc này của Moisés Naím.
20-11-2022
Nguyễn Quang A
* Những cuốn trước:
- Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.
- Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.
……….
- Triệu Tử Dương, Tù nhân bí mật của Nhà nước – Nhật ký bí mật của Triệu Tử dương, NXB Dân Khí, 2019
- Gabriel Zucman, Của cải Giấu giếm của các Quốc gia, NXB Dân Khí, 2019
- Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, Chiến thắng của sự Bất công:
………
- Amartya Sen, Quê Nhà trong Thế giới, NXB Dân Khí, 2021
- Desmond Shum, Roulete Đỏ, NXB Dân Khí, 2021
- Katherine M. Gehl và Michael E. Porter, Ngành Chính trị, NXB Dân Khí, 2021
- Ronald Inglehart và Christian Welzel, Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa và Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022
- Ronald Inglehart, Sự Tiến hóa Văn hóa, NXB Dân Khí, 2022
- Blanko Milanovic, Bất bình đẳng Toàn cầu, NXB Dân Khí, 2022
- Blanko Milanovic, Chủ nghĩa tư bản, Một mình, NXB Dân Khí, 2022
- Julia Cagé, Cứu Media, NXB Dân Khí, 2022
2 Comments