Những suy nghĩ về cải cách thị trường của Trung Quốc
Kornai János
Élet és Irodalom PUBLICISZTIKA – LXIII. évfolyam, 29. szám, 2019. július 19.
(tuần báo Đời sống và Văn học Năm thứ LXII , số 29 ngày 19-7-2019)
Bài viết này dành cho các trí thức, các trí thức Trung hoa và không-Trung hoa, những người đánh giá những thay đổi ở Trung Quốc không chỉ từ quan điểm phúc lợi vật chất mà cũng cân nhắc những quan điểm khác nữa.
Các lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đã tuyên bố công khai: họ không thoả mãn với việc nước họ là một trong những cường quốc dẫn đầu của một thế giới đa cực. Mục tiêu của họ là, nước họ trở thành nước lãnh đạo bá quyền của thế giới. Tất nhiên, họ không nghĩ về việc này rằng binh lính Trung Quốc đóng ở mọi nước. Kho công cụ thống trị thay đổi theo từng nước, như trong Đế chế Anh thời xưa. Sẽ có nước, mà họ chiếm đóng về mặt quân sự theo nghĩa đen. Ở nơi khác là đủ, nếu hình thành chính phủ ngoan ngoãn tuân theo những mong muốn Trung hoa.
Bên trong Trung Quốc xảy ra những thay đổi ớn lạnh. Đặng Tiểu Bình, thủ lĩnh của pha trước đã sử dụng thuật tu từ do ông tạo ra. Ông đã chẳng bao giờ nói về việc từ bỏ hệ thống cộng sản chủ nghĩa và thay vào đó xây dựng một hệ thống tư bản chủ nghĩa. Ông đã né tránh câu hỏi. “Không quan trọng mèo trắng hay đen. Quan trọng là nó bắt được chuột.” Lãnh tụ hiện thời của Trung Quốc, Tập Cận Bình đã từ bỏ hoàn toàn cách tiếp cận của Đặng. Không phải thế nào cũng được! Trung Quốc phải quay lại hệ thống cộng sản chủ nghĩa cổ điển. Những cái tên này được xếp trên ngọn cờ: Marx, Engels, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình. Stalin và Mao – được! Đặng – không! Nhưng Tập đang còn sống và đang cai trị thì được!
Không chỉ hình thức sùng bái cá nhân được ghi trên lá cờ gợi nhớ đến thời Stalin, mà cả cơ chế hoạt động nữa. Đặng trong hàng thập kỷ đã là lãnh tụ tối cao – nhưng việc này đã không được luật hoá trong hệ thống pháp lý. Kẻ độc tài mới không thoả mãn với việc này. Hắn đã ra luật mới cho phép hắn làm chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa cho đến ngày hắn chết. Trên báo chí thế giới đã xuất hiện những hình ảnh (và đã không nghe thấy sự phản đối từ phía Trung Quốc) mô tả Tập trong long bào truyền thống của các hoàng đế Trung hoa.
Tập Cận Bình tái tạo và biến đảng cộng sản thành chủ sở hữu chính của quyền lực. Trong mọi tổ chức và doanh nghiệp cỡ lớn phải thành lập tổ chức đảng cộng sản, độc lập với lãnh đạo của tổ chức hay doanh nghiệp. Tổ chức đảng không đơn thuần độc lập mà trong những thẩm quyền nhất định nó đứng trên lãnh đạo. Những ai đã từng nghiên cứu, họ có thể nhớ lại quan hệ giữa chính uỷ do đảng chỉ định và các chỉ huy quân đội do các tướng chỉ định trong những năm nội chiến tiếp sau cách mạng Nga 1917. Chính uỷ đã có thể gạt các chỉ huy sang một bên, nếu không vừa lòng ông ta.
Họ đã không tiến hành tái-quốc hữu hoá hàng loạt. Phần đáng kể của sản xuất vẫn luôn xảy ra trong những công việc kinh doanh phi nhà nước. Nhưng sự kiểm soát của đảng vừa được mô tả cũng cũng hoạt động trong khu vực doanh nghiệp; trong trường hợp có tranh luận lời nói quyết định là của bí thư đảng.
Các phiên toà trình diễn đang diễn ra, với các đặc trưng Trung Quốc hiện thời. Có thể đưa bất kỳ ai ra trước toà với cớ tham nhũng. Hoặc vì người đó tham nhũng thật, hay vì có thể vu cho tội tham nhũng. Lại diễn ra việc tra tấn tù nhân. Trong khi vào thời Đặng chẳng mấy khi họ đã áp dụng án tử hình, mà áp dụng những hình phạt nhẹ hơn thế, thí dụ quản thúc tại gia suốt đời, (đặc biệt đối với các lãnh đạo bị lật đổ), bây giờ án tử hình lại trở nên thường xuyên.
Nhờ internet, chính quyền trung ương đã không thành công bóp nghẹt 100 phần trăm quyền tự do ngôn luận và báo chí. Vẫn còn những thành tựu của thời Đặng như có thể thảo luận chính trị trong nhóm riêng tư nhỏ, nhưng lưới cấm đoán trở nên dày hơn, rủi to của sự lên tiếng phê phán tăng lên.
Nước là hiện thân thời nay của quá khứ kinh hoàng, hệ thống cộng sản, sớm hay muộn sẽ trở thành nước bá chủ thế giới? Một viễn cảnh khủng khiếp.
Phải chăng không phải chúng ta cũng có trách nhiệm về cảnh tượng khủng khiếp này; những trí thức Tây phương, những người đã không chỉ quan sát sự biến đổi của Trung Quốc với con mắt thiện cảm, mà với hành động riêng của mình đã góp phần cho những thay đổi này? Frankenstein, ảo ảnh được công bố năm 1818 của Mary Shelley xuất hiện trong hàng trăm loại hình tượng văn học, trong các phim, trong các vở diễn và các chuỗi hình. Tiến sĩ Frankenstein là một nhà bác học thực nghiệm, người đã làm sống lại một xác chết, với kỹ thuật được cho là hiện đại thời đó: điện giật (sốc điện). Con vật được phục sinh là một quái vật, bắt đầu giết người và làm những việc kinh hoàng khác.
Chúng ta, những trí thức tây phương làm việc với Trung Quốc – có lẽ trừ vài ngoại lệ – bản thân chúng ta cũng là các Frankenstein của thời đại chúng ta. Ngay với việc chúng ta không phản đối sự phục sinh của con quái vật thì trách nhiệm đổ lên vai chúng ta rồi. Thế mà, có người chịu trách nhiệm lớn hơn thế nhiều, vì đã đảm nhận vai trò cố vấn tích cực. Tôi liệt mình vào đây. Các nhà cải cách Trung Quốc đã coi cuốn sách của tôi, cuốn “Thiếu hụt” là sách giáo khoa của họ. Tôi đã đi Trung Quốc nhiều lần, tôi đã tham gia “hội nghị Bashan” trong năm 1985 và đã trở nên nổi tiếng từ đó. Các nhà tổ chức đã mời bảy nhà kinh tế học tây phương, cũng như các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Tất cả chúng tôi được đưa lên một chiếc tàu sang trọng trôi êm ả trên sông Dương Tử. Đấy là lý do mà cuộc gặp gỡ có một không hai này được biết đến như “hội nghị trên tàu’’. Mỗi nhà kinh tế học được mời đã có trọn một ngày để phác hoạ những suy nghĩ của mình về cải cách của Trung Quốc, để trả lời các câu hỏi, để tranh luận các ý kiến. Tôi đã thuyết trình về làm thế nào để cải biến nước này thành nền kinh tế thị trường. Trong bài này, trong đó tôi dày vò bản thân để nêu trách nhiệm đạo đức của mình, chắc không được cho là khoe khoang, nếu tôi khẳng định rằng trong 10-20 năm đó, khi những cải cách thị trường lấy được đà, những suy nghĩ được viết ra và nói ra của tôi đã có tác động mạnh mẽ. Tất nhiên tôi đã không đơn độc. Nhiều trí thức phương tây khác, giữa chúng tôi nhiều nhà nghiên cứu chuyên gia-Trung Quốc đã cho những lời khuyên. Chúng tôi đã tụ tập trong các hội nghị, nơi chúng tôi đã trao đổi những suy nghĩ của mình. Nhiều quan điểm đã đối chọi nhau, nhưng chúng tôi đã nhất trí: tại Trung Quốc bị tê liệt trong thời đại Mao một cú giật điện của thị trường hoá và sở hữu tư nhân sẽ mang lại cuộc sống mới. Bản thân chúng tôi, những người đã truyền bá việc này, tất cả chúng tôi đã là các Frankenstein – và bây giờ, đấy, con quái vật mà chúng ta sợ đang ở đây.
Trên danh sách tôi kể ra các học trò Trung Quốc của chúng tôi, những người khi đó còn là các sinh viên, hay đã là các giáo sư và bản thân họ cũng đã truyền bá sức mạnh của thị trường hoá và sở hữu tư nhân. Có lý, bởi vì từ việc này sự tăng trưởng đã tăng tốc. Và cùng lúc đó với các ý định tốt nhất họ cũng đã gây ra tai hại, bởi vì con quái vật được phục sinh cũng quay sang chống lại họ, hành hạ họ, cản trở sự truyền bá các suy nghĩ của họ. Bản thân nhà bác học thực nghiệm trong trạng thái đảo lộn cũng thấy cái gì đã xảy ra.
Sau khi đọc những bài viết lưu ý tới những mối hiểm nguy đang đe doạ, nhiều người nêu câu hỏi: thế bây giờ cần phải làm gì? Dù tôi không đảm nhiệm vai trò cố vấn, tôi có thể mạnh bạo đưa ra vài cảnh báo. Không thể phòng vệ chống lại nỗ lực bành trướng Trung Quốc bằng cách chúng ta chỉ tập trung vào việc nâng thuế quan. Trung Quốc theo nghĩa đen đang lấn tới trên mọi mặt trận: với sự phát triển quân đội; với các công cụ hiện đại, đưa vào tay quân đội đông nhất thế giới. Đó là việc Trung Quốc áp dụng nhanh, dù ảo, hoặc cải tiến các công cụ công nghệ cao của thế giới, mà với việc đó họ có thể ảnh hưởng đến các quá trình chính trị và kinh tế của các đối thủ.
Tôi phản đối chống lại bất kể biện pháp và sự tuyên truyền nào của chính quyền mà đánh giá các cá nhân là đáng nghi dựa trên các đặc điểm nét mặt, các gốc rễ gia đình và các gen của họ, những người cần truy nã với sự phân biệt chủng tộc. Nhưng cũng là sự thực, rằng cộng đồng Hoa kiều cung cấp một kho nguồn nhân lực khổng lồ mà từ đó những kẻ chỉ đạo bành trướng có thể lựa chọn người của riêng họ.
Nhiều nhà đầu tư của thế giới nhiệt tình để đầu tư vào Trung Quốc. Trong con mắt của họ đối với một doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa thì một chế độ độc tài ổn định là môi trường an toàn hơn một nền dân chủ lung lay. May là có các nhà tư bản vẫn còn lương tâm và tình đoàn kết con người. Không phải là tai hoạ, nếu đồ chơi hay đồ nhà tắm được sản xuất trong doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng hãy nghĩ hai lần trước khi giúp Trung Quốc sản xuất các công cụ có thể được sử dụng trong chiến tranh vật chất hay chiến tranh mạng. Hãy để cổng của các đại học mở trước các sinh viên Trung Quốc – trừ cổng của những nơi đào tạo việc sản xuất và phát triển các công cụ chiến tranh hiện đại.
George Kennan (nhà ngoại giao Hoa Kỳ) vào thời ông (trong những năm 1940) đã tóm tắt những việc cần làm trong cụm từ “containment (chính sách ngăn chặn)” để chống lại sự bành trướng soviet. Đến đấy và đừng xa hơn! Hay chính xác hơn: đừng xa hơn như thế! Cái gì đã xảy ra rồi không thể rút lại được. Nhưng phải dừng ở đây, và phải suy ngẫm kỹ hơn nhiều để chúng ta đừng tiếp tục vai trò của Frankenstein.
Tiểu luận, dưới dạng ngắn hơn một chút, đã được đăng trên Financial Times số ngày 10 tháng Bảy 2019 (bản tiếng Việt đã đăng trước đây trên tapchidantri.org).
Nguyễn Quang A dịch từ nguyên bản tiếng Hungary.